(QK7 Online) - Những năm qua, tình hình tai nạn lao động nổi lên với tính chất ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Với quan điểm vì con người, coi con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển, Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người lao động. Nhận thức đầy đủ ý nghĩa của công tác AT-VSLĐ-PCCN trong LLVT Quân khu , Công tác AT-VSLĐ-PCCN đã được Đảng uỷ - BTL Quân khu quan tâm chỉ đạo. Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, ngày 04/8/2014 Thường vụ Đảng ủy Quân khu đã ban hành chương trình hành động 1871-CT/ĐU về thực hiện Chỉ thị 399-CT/QU của Quân uỷ Trung ương về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong Quân đội thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Cục Kỹ thuật Quân khu kiểm tra công tác an toàn tại các nhà kho. Ảnh: X.H
Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Quân khu và tinh thần tự lực của các đơn vị, địa phương nên hệ thống kho, trạm, cơ sở bảo đảm kỹ thuật được đầu tư củng cố, cải tạo nâng cấp theo hướng cơ bản, bền vững, khoa học. Trang bị, thiết bị bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ), bảo hộ lao động (BHLĐ) được ưu tiên đầu tư mua sắm. Công tác huấn luyện, nghiên cứu khoa học về AT-VSLĐ-PCCN được các cơ quan chức năng, đơn vị, cơ sở sản xuất quan tâm đúng mức; điều kiện lao động được cải thiện...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác AT-VSLĐ-PCCN trong LLVT Quân khu vẫn còn những khó khăn, hạn chế, cả trong tổ chức hệ thống chỉ đạo ở các cấp, công tác kiểm định, thẩm định kỹ thuật an toàn, điều tra, thống kê và thực hiện các chế độ BHLĐ. Tình hình tai nạn lao động, sự cố cháy nổ còn diễn biến phức tạp, chưa giảm. Theo thống kê, năm 2015 toàn quân xảy ra 62 vụ tai nạn lao động, sự cố cháy nổ làm 28 người chết, 38 người bị thương nặng, 14 người bị thương nhẹ, thiệt hại đáng kể về vật chất, tài sản. Đối với Quân khu, trong năm 2015 đã xảy ra 3 vụ tai nạn lao động làm chết 1 quân nhân, bị thương nặng 2 quân nhân.
Diễn tập phòng chống cháy nổ tại Kho K6, Cục Kỹ thuật. ảnh: X.H
Tình hình đó tác động trực tiếp đến nhiệm vụ xây dựng Quân đội. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác AT-VSLĐ-PCCN, chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động, cháy nổ, các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất trong LLVT Quân khu cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là: Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, thông tư, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân khu về công tác ATLĐ, BHLĐ trong Quân đội; nhất là chương trình hành động 1871-CT/ĐU về thực hiện Chỉ thị 399-CT/QU của Quân uỷ trung ương về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong Quân đội thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Hai là: Đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các tổ chức quần chúng và người lao động về công tác AT-VSLĐ-PCCN. Nội dung giáo dục, tuyên truyền cần tập trung vào việc phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của cơ quan nghiệp vụ về AT-VSLĐ-PCCN; làm rõ tầm quan trọng, lợi ích kinh tế-xã hội của việc thực hiện công tác này.
Ba là: Tăng cường huấn luyện về AT-VSLĐ-PCCN; tập trung nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật AT-VSLĐ-PCCN và kỹ năng làm việc cho bộ đội và người lao động; nhất là với những người trực tiếp làm việc, tiếp xúc với vũ khí, vận hành, sử dụng máy thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về ATLĐ và huấn luyện thực hành của chiến sĩ mới. Các đơn vị phải thường xuyên duy trì nền nếp chính quy trong quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, chú trọng thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn trong huấn luyện thực hành, bắn đạn thật, diễn tập ở đơn vị; xây dựng đồng bộ các kế hoạch phòng, chống cháy nổ, bảo vệ đơn vị, tổ chức luyện tập cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả theo phương án, kế hoạch, không để bị động trong mọi tình huống.
Bốn là: Tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật an toàn, hướng dẫn đơn vị, cơ sở quán triệt, thực hiện các quy định, thông tư hướng dẫn của Nhà nước, Bộ Quốc phòng về công tác thực hiện AT-VSLĐ-PCCN. Các cơ sở sản xuất đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về ATLĐ, BHLĐ tới từng nội dung công việc, từng dây chuyền công nghệ sản xuất; việc tuân thủ quy phạm, tiêu chuẩn và các giải pháp ATLĐ trong các luận chứng kinh tế, kỹ thuật, các đề án thiết kế xây dựng mới hoặc mở rộng, cải tạo cơ sở sản xuất, sử dụng, bảo quản các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu cao về ATLĐ.
Các kho vũ khí, trang bị, nhất là kho đạn dược phải thường xuyên tổ chức rà soát kết quả kiểm tra chất lượng các lô thuốc phóng theo chỉ đạo, hướng dẫn của trên. Các loại vũ khí, trang bị cấp 5 phải để tại khu cách ly, được quản lý chặt chẽ; những loại có nguy cơ cháy nổ cao, nguy hiểm cần được xử lý kịp thời theo quy định, với sự chỉ huy, chỉ đạo, giám sát kỹ thuật của cơ quan chức năng.
Năm là: Các cơ sở sản xuất đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, những thiết bị mới, giảm thiểu những khâu, những công việc tiếp xúc trực tiếp với môi trường độc hại, nguy hiểm; từng bước khắc phục độc hại thông thường trong sản xuất do thiếu thiết bị về thông gió, ánh sáng, tiếng ồn và nồng độ khí, hơi, bụi độc... Tăng cường triển khai các biện pháp hỗ trợ, cải thiện điều kiện làm việc tại các cơ sở bảo đảm kỹ thuật; quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là đạn dược, vật liệu nổ, máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, loại trừ kịp thời các nguy cơ cháy nổ, mất an toàn.
Công tác bảo đảm AT-VSLĐ-PCCN là một nội dung quan trọng trong hoạt động quân sự, lao động sản xuất của Quân đội. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải đề cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, cá nhân, tạo sự chuyển biến vững chắc, góp phần xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh.
Đại tá Nguyễn Văn Thành
Chủ nhiệm Kỹ thuật QK7