Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư tại Khu liên hợp gang thép Dung Quất ngày 26/3, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cho biết đã cùng với Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gửi hồ sơ đề xuất áp thuế chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc.
Theo Tổng Cục hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1,8 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và chiếm 70% tổng lượng nhập khẩu sắt thép.
Phía Hòa Phát cho rằng hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thế giới nhờ có giá thành sản xuất tốt. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng bày tỏ lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm bán dưới giá thành của một số đơn vị nước ngoài.
“Khi Trung Quốc dư cung quá lớn, doanh nghiệp chấp nhận bán lỗ. Rất nhiều doanh nghiệp thép của Trung Quốc thua lỗ trong năm ngoái, họ chấp nhận bán dưới giá thành để đảm bảo đưa được sản phẩm ra ngoà. Với thực trạng như thế thì chúng ta cũng phải có những giải pháp phù hợp”, Hòa Phát cho biết.
HRC là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép
Hiện Hòa Phát và Formosa chỉ mới nộp hồ sơ đề xuất điều tra từ ngày 19/3, Bộ Công Thương vẫn đang trong quá trình đánh giá hồ sơ. Quá trình nộp hồ sơ, đánh giá và điều tra sẽ mất từ 12 đến 18 tháng kể từ ngày Bộ Công Thương khởi xướng điều tra.
Trước thông tin này, một loạt doanh nghiệp sản xuất tôn thép trong nước đã có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng nêu quan điểm về đề xuất điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng HRCnhập khẩu từ Trung Quốc, theo Tuổi Trẻ Online.
Tại văn bản gửi cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cho biết hiện nay ở Việt Nam, sản phẩm thép cuộn cán nóng HRC chỉ được sản xuất bởi Formosa Hà Tĩnh và Hòa Phát, chiếm tới 80% ngành HRC nội địa. Trong khi đó, chỉ khoảng 20% còn lại là hàng nhập khẩu của các công ty thương mại.
Thép HRC là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác.
Bất kỳ diễn biến bất lợi nào xảy ra với nguồn nguyên liệu HRC cũng có thể gây ra ảnh hưởng cực kỳ trầm trọng đến toàn ngành thép.
Bởi lẽ, mỗi năm Việt Nam phải nhập khoảng 8 triệu tấn thép HRC, dư địa thị trường rất lớn, nhưng hiện ngoài Formosa là doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), đến nay chỉ có Hòa Phát tham gia vào cuộc đua này.
Vì vậy, hành động khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tác động rất mạnh tới nhiều ngành nghề. Trong đó, ngấm đòn nặng nhất là các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép. Đối tượng chịu thiệt là người tiêu dùng.
Thiên An