Trong lĩnh vực quân sự, không gian mạng cho phép người chỉ huy, người lính sử dụng hệ thống thông tin quản lý điều hành, hệ thống điều khiển vũ khí, các hệ thống tự động hóa chỉ huy để tương tác trong các hoạt động tác chiến. Sự ra đời của không gian mạng làm xuất hiện hình thái chiến tranh không gian mạng, loại hình tác chiến không gian mạng và lực lượng tác chiến không gian mạng; làm thay đổi học thuyết, tư duy và phương thức tiến hành chiến tranh. Đây là tất yếu khách quan, phù hợp với quy luật phát triển của chiến tranh gắn với các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử loài người.
Đối với Việt Nam, sự phát triển của không gian mạng mà nòng cốt là công nghệ thông tin và truyền thông đã đạt được kết quả quan trọng trong thực hiện mục tiêu làm cho nước ta trở thành một cường quốc về công nghệ thông tin. Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, không gian mạng được tạo lập trên cơ sở tích hợp hạ tầng thông tin liên lạc, các hệ thống thông tin chỉ huy, điều hành Quân đội, các hệ thống điều khiển vũ khí, trinh sát kỹ thuật điện tử đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên tất cả các môi trường tác chiến. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định không gian mạng là môi trường tác chiến mới, tích cực xây dựng lực lượng, đầu tư trang bị, vũ khí cho các hoạt động tác chiến trên không gian mạng.
Tuy nhiên, nhận thức về an ninh mạng, an toàn thông tin và nguy cơ chiến tranh không gian mạng còn đơn giản, chủ quan và chưa thống nhất. Công tác quản lý Nhà nước còn nhiều sơ hở, chưa hiệu quả, chưa theo kịp tốc độ phát triển của không gian mạng. Năng lực phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng còn hạn chế. Trong khi đó các thế lực phản động, chống đối tăng cường sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, xuyên tạc tình hình đất nước, kích động biểu tình, bạo loạn gây mất ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội. Hoạt động tiến công mạng, xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng đang diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Ngoài ra, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều chiến dịch tấn công mạng nhằm vào các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Việc phát triển hạ tầng thông tin, kết nối số của quốc gia chưa được rộng khắp, đồng bộ, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nên việc quản lý, phát triển và làm chủ không gian mạng quốc gia gặp nhiều khó khăn. Trang thiết bị trong các hệ thống thông tin và nhiều sản phẩm, dịch vụ được sử dụng trên không gian mạng như hệ điều hành máy tính, mạng xã hội, thư điện tử… phần lớn có nguồn gốc nước ngoài dẫn đến sự lệ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển, khiến chủ quyền, lợi ích quốc gia không được bảo đảm và phát triển bền vững.
Trong thời bình, đối phương đang thường xuyên tiến hành hoạt động trên không gian mạng để khai thác thông tin, nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, bí mật quốc gia, bí mật quân sự nhằm tạo lợi thế trong quan hệ hợp tác quốc tế; tác động vào đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại và sẵn sàng gây sức ép khi cần thiết; đưa thông tin sai lệch, truyền bá quan điểm phản động, xuyên tạc, thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm gây bất ổn chính trị, xã hội, gây tổn thất về kinh tế, quốc phòng, an ninh; âm thầm, bí mật kiểm soát hệ thống mạng, tạo thế trận, xâm hại chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc của ta.
Trước tình hình trên, ngày 25/7/2018, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 29 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng” và Nghị quyết số 30 về “Chiến lược An ninh mạng quốc gia”. Đây là hai Nghị quyết quan trọng để Đảng lãnh đạo, Nhà nước thống nhất quản lý đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên một vùng lãnh thổ mới - không gian mạng và cũng là nhằm thực hiện triển khai tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhằm xây dựng không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, rộng khắp; xác lập và bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng; tăng cường khả năng phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, sẵn sàng đối phó hiệu quả với mọi tình huống trên không gian mạng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống, là nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Lấy tuyên truyền, giáo dục, vận động là chính, đi đôi với bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực bảo vệ Tổ quốc. Phối hợp chặt chẽ Quân đội, Công an, Thông tin và Truyền thông, Tuyên giáo và các lực lượng khác. Nắm chắc tình hình, kết hợp phòng thủ tích cực, vững chắc với tiến công đáp trả, kịp thời ngăn chặn, xử lý các tình huống nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.