Hoàn thiện hệ thống quy hoạch đồng bộ
Một trong những nội dung quan trọng của Kế hoạch là hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Vĩnh Long sẽ rà soát, lập mới hoặc điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành, đảm bảo sự thống nhất với quy hoạch tỉnh. Việc tích hợp các quy hoạch này sẽ được thực hiện theo Điều 59 Luật Quy hoạch, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để định hướng phát triển bền vững.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh việc ưu tiên triển khai các dự án kết cấu hạ tầng có tính lan tỏa lớn, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Những dự án trọng điểm sẽ tập trung vào kết nối vùng, phát triển các hành lang kinh tế dọc theo Quốc lộ 1 từ thành phố Vĩnh Long đến thị xã Bình Minh.
Ngoài ra, hạ tầng phát triển du lịch, y tế, giáo dục, và chuyển đổi số cũng được chú trọng, nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư và gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực. Các dự án đầu tư công sẽ tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước.
Bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, Vĩnh Long đặt mục tiêu thu hút các nguồn vốn xã hội hóa để hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, du lịch, dịch vụ logistic, và công nghiệp chế biến.
Các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn sẽ được đầu tư hạ tầng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các dự án nhà ở, đô thị và thương mại cũng sẽ được đẩy mạnh, hướng tới cải thiện chất lượng sống của người dân.
Một phần quan trọng của kế hoạch là đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với thích ứng biến đổi khí hậu. Tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, cấp thoát nước, đảm bảo an ninh nguồn nước cho sản xuất và đời sống. Đồng thời, công tác phòng chống thiên tai và nước biển dâng sẽ được tích hợp chặt chẽ vào các chương trình, dự án.
Định Hướng Tương Lai Tỉnh Vĩnh Long
Theo Quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Vĩnh Long hướng tới trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, và giáo dục quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các trục kinh tế chiến lược sẽ được đầu tư đồng bộ, tạo đà phát triển cho toàn tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Vào tháng 3/2024, trong Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2024, Vĩnh Long đã mời gọi đầu tư 14 dự án trọng điểm trên các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp- nông thôn, văn hóa- du lịch; đô thị- nhà ở, thương mại- dịch vụ, bảo vệ môi trường.
Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn gồm 2 dự án: khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Tân Hạnh (Long Hồ) với diện tích 716ha, ước tổng vốn đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng tương đương 73,7 triệu USD; dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái xã Phú Thành (Trà Ôn) với diện tích 250ha, ước tổng vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng tương đương 28,66 triệu USD.
Đồng thời, mời gọi đầu tư 3 dự án lĩnh vực văn hóa - du lịch gồm: dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Cồn Giông tại phường Tân Hội (TP Vĩnh Long), với diện tích 57ha, ước tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng; dự án Khu lò gạch, gốm Mang Thít tại các xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh thuộc huyện Mang Thít, với diện tích 3.060ha, ước tổng vốn đầu tư khoảng 3.450 tỷ; dự án Khu du lịch sinh thái Cù Lao Dài tại xã Thanh Bình- xã Quới Thiện (Vũng Liêm), với diện tích 2.200ha, ước tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ.
Việc triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch không chỉ mở ra cơ hội phát triển bền vững mà còn khẳng định vị thế của Vĩnh Long trên bản đồ kinh tế khu vực và quốc gia.
N.Đăng