Ban CHQS phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương được xây dựng khang trang, xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Vinh Quang
Đến nay, có 99,54% trụ sở BCHQS xã được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khang trang, sạch, đẹp phục vụ lực lượng dân quân thường trực làm việc, sinh hoạt, huấn luyện. Cùng với đó, QK tích cực triển khai các mô hình hậu cần tại chỗ giúp lực lượng dân quân thường trực của các BCHQS xã ổn định đời sống. Các mô hình hậu cần được xác định là: Xây dựng khu tăng gia sản xuất (TGSX) tập trung, trồng cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, hoạt động dịch vụ hậu cần, xây dựng cảnh quan môi trường.
Trên cơ sở Luật Dân quân tự vệ, nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Quốc phòng về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ, QK chỉ đạo Bộ CHQS các tỉnh, thành phố tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện công tác bảo đảm hậu cần đối với BCHQS xã. Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mới các công trình sinh hoạt, duy tu, bảo dưỡng, củng cố cảnh quan môi trường trụ sở làm việc; từng bước trang bị vật chất hậu cần cho lực lượng dân quân thường trực đảm bảo thống nhất, chính quy, có cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Do có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tư lệnh QK, Cục Hậu cần và sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, BCHQS các xã được đầu tư mua sắm trang bị doanh cụ, dụng cụ thống nhất phục vụ lực lượng dân quân thường trực làm việc, sinh hoạt. Đặc biệt, thực hiện Phong trào thi đua “Trụ sở chính quy, xanh, sạch, đẹp, sáng”, BCHQS xã được chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội hỗ trợ kinh phí, vật chất, kết hợp với nguồn nội lực xây dựng mới công trình, cải tạo, nâng cấp hạ tầng trụ sở, cảnh quan môi trường đảm bảo chính quy, xanh, sạch, đẹp, sáng, tạo sự chuyển biến rõ nét so với trước đây. Điển hình là BCHQS các xã: An Điền (huyện Bến Cát), Thanh An, Long Hòa (huyện Dầu Tiếng) tỉnh Bình Dương; Bình Trung (huyện Châu Đức), Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; phường Hiệp Thành (Quận 12), phường 6 (Quận 8) Thành phố Hồ Chí Minh...
Để tạo nguồn thu cải thiện đời sống, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan hậu cần cấp trên, BCHQS xã tận dụng diện tích đất, tích cực phát triển TGSX, hoạt động dịch vụ hậu cần trong điều kiện cho phép. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác hậu cần phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế. Cơ quan quân sự địa phương (QSĐP) cấp huyện tham mưu với Ủy ban Nhân dân (UBND) cùng cấp khảo sát quy hoạch xây dựng các khu TGSX, hoạt động dịch vụ hậu cần đối với cấp xã đảm bảo đúng pháp luật, không ảnh hưởng đến quy hoạch chung và ô nhiễm môi trường. Trong đó, xác định lộ trình thực hiện cụ thể phương án thực hiện cho từng BCHQS xã theo kế hoạch xác định. Đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện của BCHQS xã để kịp thời giúp đỡ giải quyết khó khăn, vướng mắc và đề ra các biện pháp thực hiện theo từng giai đoạn.
Về chỉ tiêu TGSX, dịch vụ hậu cần đối với BCHQS xã, tùy theo điều kiện, khả năng và đề xuất của địa phương, UBND cấp tỉnh (thành phố) quy định thống nhất. Cụ thể như: UBND tỉnh Bình Dương quy định đối với BCHQS xã, nếu có diện tích đất đai, đảm bảo bình quân từ 11 - 22 m2 vườn trồng rau xanh/người; từ 1 - 1,4 m2 chuồng/đầu lợn (chỉ tiêu 3 người/đầu lợn); 5 con gia cầm/1 m2 chuồng (chỉ tiêu 3 - 4 con gia cầm/người); từ 20 - 50 m2 ao cá/người; từ 17 - 28 m2 vườn cây ăn quả/người... Đối với BCHQS xã không có đủ diện tích đất đai (đóng quân trong thành phố, diện tích đất hẹp…) tổ chức TGSX “quanh bếp, quanh nhà”, trồng rau trong khay, chậu, giàn rau thủy canh… để tự túc nguồn rau xanh phục vụ bữa ăn.
Về chỉ tiêu thu hoạch TGSX hằng năm, đơn vị có diện tích đất đai phải đạt bình quân đầu người 146 kg rau xanh, 47 kg thịt lợn, 31 kg thịt gia cầm, 41 kg cá tươi, 45,5 kg trái cây… Quy định giá sản phẩm TGSX đưa vào bữa ăn thấp hơn thị trường cùng thời điểm từ 8 - 25% (tùy từng loại). Các BCHQS xã còn lại, căn cứ vào điều kiện, khả năng, tích cực tổ chức hoạt động dịch vụ hậu cần và xác định chỉ tiêu thu quỹ cho phù hợp. Giá trị thu lãi từ TGSX, trồng trọt, hoạt động dịch vụ hậu cần hằng năm đạt bình quân 7 triệu đồng/người. Toàn bộ phần quỹ thu từ TGSX, dịch vụ hậu cần được quản lý chặt chẽ, hạch toán kịp thời, đầy đủ. Tiền lãi thu được, dành cho chi ăn thêm 40%, lập quỹ khen thưởng và phúc lợi 20%, 30% tái sản xuất, 10% dự trữ cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của QK và sự quan tâm hỗ trợ ngân sách của địa phương, những năm qua, BCHQS các xã thực hiện tốt công tác TGSX, tự túc từ 50 - 55% nhu cầu rau xanh, gần 30% rau gia vị, đưa vào ăn thêm từ 2.000 - 10.000 đồng/người/ngày, góp phần cải thiện chất lượng đời sống.
Đến nay, toàn QK có trên 37% BCHQS xã có diện tích đất hoặc được địa phương hỗ trợ đất để phát triển TGSX với tổng diện tích trên 237,7 ha và trồng rừng trên 25,7 ha. Đối với BCHQS xã không có điều kiện TGSX, các BCHQS xã vận dụng làm thêm các dịch vụ hậu cần tại địa phương như: tổ chức dịch vụ trông giữ xe, rửa xe, tham gia bảo vệ chợ… Một số mô hình TGSX BCHQS cấp xã điển hình là: Tỉnh Bình Dương có xã An Điền trồng 7.000 m2 lúa nước, 5.000 m2 điều; xã Tân Mỹ trồng 10.000 m2 tràm, 9.000 m2 bưởi, 3.000 m2 chuối, rau phục vụ chăn nuôi; xã Đất Cuốc trồng 200 m2 nấm ăn 4.000 phôi nấm; xã Lạc An trồng 3.000 m2 lúa; thị trấn Tân Thành trồng 2 ha tràm; xã An Sơn trồng 2.000 m2 măng cụt.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, xã Gia Tân trồng 2.000 m2 vườn rau các loại; xã Quang Trung trồng 2.000 m2 chuối; xã Xuân Thiện trồng 2.000 m2 vườn mít.
Đối với tỉnh Long An, xã Hòa Khánh Nam tổ chức khu TGSX 0,5 ha và trồng 1 ha lúa; xã Phước Tân Hưng tổ chức khu TGSX với quy mô gần 400 m2... Hiện nay, việc tổ chức TGSX, làm dịch vụ hậu cần ở BCHQS các xã trên địa bàn QK từng bước đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả, mang tính bền vững.
Từ những kết quả bước đầu nêu trên, QK rút ra một số kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện xây dựng các mô hình hậu cần tại BCHQS xã như sau:
Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp về công tác hậu cần đối với BCHQS xã. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự chỉ huy, điều hành của chỉ huy BCHQS xã. Bám sát hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan nghiệp vụ cấp trên, thực hiện quan điểm tự lực, tự cường, chủ động khắc phục khó khăn, xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với công tác hậu cần, đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng BCHQS.
Hai là, chủ động xây dựng các đề án xây dựng trụ sở làm việc và mô hình hậu cần BCHQS xã. Xây dựng các phương án xác định chỉ tiêu bảo đảm vật chất hậu cần, TGSX, dịch vụ hậu cần để chỉ đạo, tư vấn, hướng dẫn cơ quan hậu cần QSĐP cấp dưới tham mưu với Chỉ huy trưởng để tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy cấp mình xác định chỉ tiêu phù hợp. Đối với cơ quan hậu cần Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp về việc quy hoạch, xây dựng trụ sở làm việc riêng đạt chuẩn cho BCHQS xã, xác định đây là chủ trương đúng đắn, quan trọng, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Ba là, Cục Hậu cần tham mưu với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh QK chỉ đạo quyết liệt Bộ CHQS các tỉnh, thành phố đề xuất, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho công tác xây dựng trụ sở làm việc, phát triển TGSX, dịch vụ hậu cần theo điều kiện thực tế, tạo nguồn thu, nâng cao đời sống lực lượng dân quân thường trực. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo BCHQS các xã về công tác xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc và phát triển TGSX, dịch vụ hậu cần theo đúng kế hoạch, đảm bảo hiệu quả. Cơ quan hậu cần QSĐP các cấp đề xuất việc đưa kết quả TGSX hằng năm vào đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của từng BCHQS xã. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cơ quan hậu cần QSĐP các cấp thường xuyên bám nắm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc về công tác hậu cần giúp BCHQS xã hoàn thành nhiệm vụ.
Bốn là, cơ quan hậu cần QSĐP các cấp làm tốt tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy cùng cấp tích cực tổ chức các Hội thi trụ sở chính quy, xanh, sạch, đẹp, sáng, mô hình TGSX hiệu quả đối với BCHQS xã để đánh giá thực chất công tác hậu cần. Đồng thời, tổ chức cho các đơn vị tham quan, học tập lẫn nhau trong xây dựng trụ sở làm việc riêng đạt chuẩn, gắn với phát triển TGSX, hoạt động dịch vụ hậu cần.
Năm là, hằng năm, trên cơ sở đánh giá kết quả của mô hình điểm, tiến hành hội nghị đánh giá, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, tổ chức tọa đàm, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các đơn vị về công tác hậu cần BCHQS xã. Trên cơ sở đó, các BCHQS xã chủ động xây dựng những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo hơn, khắc phục hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai các mô hình hậu cần.
Việc tổ chức xây dựng các mô hình hậu cần ở BCHQS xã là chủ trương đúng đắn của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh QK. Đây là vấn đề cần thiết vừa tạo tiềm lực hậu cần tại chỗ vững chắc phục vụ đời sống, vừa nâng cao ý thức tự lực tự cường cho lực lượng dân quân thường trực địa phương. Đồng thời rèn luyện phẩm chất, nhân cách, tác phong người chiến sĩ dân quân thường trực trong thực hiện vụ quân sự quốc phòng gắn với lao động sản xuất.