(QK7 Online) - Công tác phòng, chống thiên tai, sự cố, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của LLVT tỉnh Bình Dương.
Những năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của đơn vị, người dân.
Dân quân tỉnh Bình Dương dọn dẹp cây xanh ngã đổ sau cơn mưa.
Mô hình “Dân quân xung kích trong mùa mưa bão”
Tuy mới đầu mùa mưa nhưng một số tuyến đường chính trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một như Đại lộ Bình Dương, Cách mạng Tháng Tám, Huỳnh Văn Lũy... và các phường nằm sát sông Sài Gòn hễ mưa to là ngập úng, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và ách tắc giao thông.
Để kịp thời phòng, chống và khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, Ban CHQS thành phố Thủ Dầu Một chỉ đạo Ban CHQS phường Phú Thọ tham mưu Đảng ủy, UBND phường thành lập mô hình “Dân quân xung kích trong mùa mưa bão” và đi vào hoạt động từ tháng 7/2023.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, cứ trời mưa to là lực lượng dân quân phường với áo mưa, đèn pin, xà beng, rào chắn, kịp thời có mặt tại các trục đường thường xuyên ngập úng hướng dẫn người dân đi hướng tránh ngập sâu, hỗ trợ người dân bị ngập nước tắt máy xe và xử lý các nắp cống bị nước cuốn trôi...
Đồng chí Võ Minh Tiến, Chủ tịch UBND phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một đánh giá: Đội dân quân xung kích trong mùa mưa bão của phường hoạt động rất hiệu quả. Từ đầu mùa mưa đến nay, khi có sự cố cây ngã, đổ, nhà tốc mái, ngập úng… Ban CHQS phường nhanh chóng cử lực lượng, triển khai đội xung kích khắc phục sự cố, bảo đảm lưu thông và hỗ trợ người dân di dời đồ đạc khỏi nơi ngập úng.
Tăng cường luyện tập các phương án
Để chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, Bộ CHQS tỉnh chú trọng công tác huấn luyện, diễn tập nhằm nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ cho các lực lượng; tập trung nâng cao kỹ năng lắp ghép trang bị kỹ thuật cứu hộ - cứu nạn, kỹ năng cứu đuối, cấp cứu người đuối nước; các phương pháp, kỹ năng di chuyển người, vũ khí, trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất ra khỏi vùng lũ lụt, cháy nổ, sập đổ công trình và cách thức sử dụng trang thiết bị chữa cháy. Duy trì huấn luyện thường xuyên hàng tuần đối với ca nô, sẵn sàng tham gia xử lý khi có sự cố thiên tai xảy ra. Qua huấn luyện, các lực lượng thuần thục các kỹ năng, nắm chắc vị trí đảm nhiệm khi có tình huống. Tổ chức huấn luyện công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn được 3.577 lớp/91.539 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia.
Duy trì chặt chẽ lực lượng trực SSCĐ gắn với trực phòng, chống thiên tai, cứu hộ-cứu nạn; hiệp đồng với các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi xảy ra sự cố thiên tai; bảo đảm đầy đủ vật chất, phương tiện cho lực lượng làm nhiệm vụ; thành lập 104 đơn vị tự vệ trong các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng chống, khắc phục thiên tai, thảm họa và cứu hộ-cứu nạn.
Bộ CHQS tỉnh tổ chức hiệp đồng nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và cứu hộ-cứu nạn với các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn, qua đó thống nhất chỉ huy, điều hành chủ động chuẩn bị về lực lượng, trang thiết bị, vật chất, phương tiện sẵn sàng xử lý các tình huống khi xảy ra.
Những năm qua, Bộ CHQS tỉnh phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức 55 cuộc diễn tập, 17 hội thi, hội thao, huy động 421 phương tiện và 14.471 lượt người tham gia. Đặc biệt, năm 2018 và năm 2023, tỉnh tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ trong đó nội dung xử trí tình huống cháy nổ, cứu hộ-cứu nạn đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.
“4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai
10 năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 166 vụ thiên tai; 679 vụ hỏa hoạn, cháy rừng, 11 vụ nổ, 3 vụ sập đổ công trình, Bộ CHQS tỉnh huy động 9.568 lượt cán bộ, chiến sĩ, phối hợp các lực lượng và Nhân dân cứu nạn 172 người và 8 phương tiện, giúp dân khắc phục hậu quả sau thiên tai, sự cố góp phần ổn định đời sống người dân và bảo đảm an ninh trật tự.
Công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt. Bộ CHQS tỉnh tiếp nhận nhiều phương tiện như: Xuồng máy, ca nô, xe cứu thương, máy phát điện, máy khoan cắt bê tông, máy cưa cầm tay, máy cắt cỏ, nhà bạt, phao cứu sinh, bình cứu hỏa và các trang bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai khác với tổng giá trị gần 23 tỷ đồng, qua đó bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng các trang thiết bị, vật chất, phương tiện bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ.
Việc dự trữ vật chất bảo đảm cho nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và cứu hộ-cứu nạn được thực hiện đúng quy định, khi có tình huống xảy ra thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), sử dụng nguồn lực sẵn có của các đơn vị, địa phương, chú trọng huy động nguồn nhân lực, vật lực trong Nhân dân để kịp thời bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ...
Xuân Hải, Minh Trí