Sở hữu những bãi tắm đẹp, làn nước trong xanh, bãi cát trắng mịn, lọt thỏm giữa những vỉa tầng nham thạch kỳ vĩ, Lý Sơn vừa mang vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ vừa giàu sản vật và rất thơ mộng. Là phên dậu trên biển Đông, nơi lưu giữ hiện vật đặc biệt về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, Lý Sơn là điểm đến hấp dẫn của du khách. Đặc biệt, từ năm 2014, hệ thống cáp ngầm đưa điện lưới ra đảo Lớn hoàn thành, mọi hoạt động trên hòn đảo có hơn 20.000 người dân sinh sống này thay đổi từng ngày.
Một chuyến thăm đảo là điều ấp ủ trong tôi, để thấy bà con ngoài đó làm ăn, sinh sống thế nào và họ đang nghĩ gì về ngày mai. Để chiêm nghiệm, thấm thía, tăng cảm hứng cho ngòi bút của mình. Một ngày tháng 8-2022, tôi bước lên con tàu cao tốc có sức chở hơn hai trăm khách, rời cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn, quyết tâm thực hiện ý định của mình. Mơ ước bấy lâu làm tôi đứng ngồi không yên, bèn ngỏ lời cùng viên Thuyền phó xin phép lên thăm buồng lái. Thuyền trưởng đang bám sát hải trình, song ông vẫn vui vẻ bảo tôi phương vị la bàn ra đảo. Tôi dán mắt theo hướng tay ông, chỉ sau vài chục phút hòn đảo hiện ra rõ dần. Một tiếng sau, con tàu giảm tốc lực để vào cảng. Bước đi trên những con đường tấp nập người xe, các cơ quan cấp huyện, cấp phường, trường học, ngân hàng, bưu điện, cửa hiệu, cửa hàng…, nghĩa là không thiếu một hoạt động nào so với đất liền. Tôi lâng lâng trước phong vị mặn mòi trên khuôn mặt và trong tiếng nói cười của mỗi người dân trên đảo.
Hotel Thiên Trí, một trong những nhà nghỉ hạng sang ở Lý Sơn. Ông chủ khách sạn từng tốt nghiệp Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, đổ đầy bình xăng và trao tôi chìa khóa chiếc xe máy nhãn hiệu Wave. Sực nhớ ra, anh dúi vào tay tôi tấm sơ đồ thăm đảo, do anh vẽ và in sẵn. Dừng chân trước Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, tôi xúc động bởi dáng vẻ rắn rỏi, sừng sững trước gió và sóng biển. Ngay phía sau Tượng đài là Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa. Căn phòng cuốn hút chúng tôi, từ mô hình chiếc ghe câu mà những hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa đã dùng để ra đảo, đến những vật dụng rất gần gũi. Những sợi dây mây và nẹp tre dùng để bó xác; nồi đất, nồi đồng để nấu nướng; lu vại để đựng nước ngọt; xơ đay, dầu rái để xảm thuyền. Cùng nhiều dụng cụ dùng để đo đạc, cắm bia chủ quyền, thu hái sản vật... Cũng tại đây còn có nhiều tư liệu pháp lý trong nước và thế giới, khẳng định bờ cõi nước Việt Nam ta, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Đặng Kim Đồng, Ban quản lý Nhà trưng bày cho chúng tôi biết thêm: Ngày đó, mỗi chuyến đi thường trên dưới sáu tháng, lênh đênh bằng những chiếc ghe câu mỏng manh, đầy bất trắc. Ngoài lương thực, mỗi người còn mang theo một đôi chiếu, bảy nẹp tre, bảy sợi mây và một thẻ bài khắc họ tên, quê quán. Chẳng may rủi ro xảy đến, thì đó là những gì để lo hậu sự cho một con người. Lúc bình thường, chiếu “chiếc nằm chiếc đắp”. Lúc lâm chung, cũng đôi chiếu ấy cùng với nẹp tre, sợi mây và thẻ bài, hoàn tất việc gói đùm cho người xấu số. Buổi lễ tiễn đưa cũng diễn ra mau lẹ. Người ta khấn vái vĩnh biệt người quá cố, đoạn thả chiếc “quan” bó chiếu xuống biển. Thi hài theo dòng nước trôi vào đâu, bà con ở đó xem trên thẻ bài để chôn cất và ghi vào sổ tang bạ của địa phương, để sau này con cháu có thể đến tìm. Tuy vậy, không phải bất cứ ai cũng có thể vào được bờ, hay các hòn cù lao. Gặp lúc giông tố hay gió nước không thuận, thi hài có thể đi theo một hướng khác, ngược ra phía Đông hoặc dạt về phương Nam. Cứ mỗi trường hợp dạt trôi như thế, người thân lại đắp thêm quanh đảo một ngôi mộ gió. Lâu dần, những ngôi mộ gió cứ tăng lên, bà con xây đắp ấm cúng và lập đền Âm Linh Tự, để thờ các binh phu Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, có đi không về.
Trước khi rời địa chỉ này, tôi cầm cuốn “Sổ lưu niệm”, xem một số trang và ghi lên đó những dòng tâm huyết: “Lý Sơn, ngày 22 tháng 8 năm 2022! từ Quảng Bình nắng gió, chúng tôi từng ấp ủ đến với Lý Sơn - Huyện đảo kiên cường của tỉnh Quảng Ngãi anh hùng và hôm nay, điều đó đã thành sự thật. Xin thành kính nghiêng mình trước anh linh của các vị tiền hiền, đã quên thân vì bờ cõi của Tổ quốc thân yêu! Kính ngưỡng vọng”. Cố gắng lắm tôi mới viết được chừng đó. Tay tôi run run, khó minh định câu gì trước, câu gì sau; cổ họng nghèn nghẹn một nguồn cảm xúc…
Tiếp đến Đình làng An Vĩnh - Nơi thờ Thổ công của làng, thờ Linh vị Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và Thành Hoàng làng. Người trông coi, hương khói cho ba án thờ là cụ Võ Văn Ở 80 tuổi. Sau các thủ tục tâm linh, chúng tôi được cụ mời dùng trà và chia sẻ: “Hàng năm, vào các ngày từ 16 đến 20 tháng 3 âm lịch, tại đây có tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Thuở trước, những binh phu dũng cảm vượt sóng gió ra cắm mốc, xác lập chủ quyền tại các đảo, họ cũng thường xuất phát vào thời điểm này. Ra đi, tức là họ đã ký thác thân thể, tinh thần, coi đó là “việc phải làm” vì quê hương xứ sở. Từ năm 2013, khi Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được công nhận Di sản văn hóa cấp quốc gia. Nhân dân trên đảo phấn khởi tổ chức Lễ hội bài bản hơn”. Chắc chắn, đây là dịp để nhân dân huyện đảo thể hiện sự tri ân đối với những người lính Hoàng Sa, Trường Sa đã mãi mãi hòa mình vào biển cả.
Nhưng cũng từ niềm khắc khoải bởi người xưa, người dân Lý Sơn hôm nay tự hào, coi đó là “nhân chứng” lịch sử, thể hiện chủ quyền của đất nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong câu chuyện cùng các ngư phủ đang chuẩn bị ra khơi tại cảng cá Lý Sơn, trông họ di chuyển mau lẹ, gấp gáp; từ giọng nói đến gương mặt có vẻ phong sương, rắn rỏi hơn những ngư dân tôi thường gặp. Dù rằng, trong lúc làm ăn trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa; những con tàu của bà con vẫn bị tàu nước ngoài lăm le, đe dọa. Nhưng, một khi họ đã ý thức rằng, sự có mặt của mỗi con tàu đánh bắt hải sản phất phới cờ đỏ sao vàng, khác nào một lời khẳng định về chủ quyền biển đảo của Việt Nam chúng ta. Vì vậy họ vẫn ra khơi, vừa để mưu sinh, vừa tiếp nối ông cha giữ gìn lãnh thổ. Tôi xúc động khi được một tiểu thương ở chợ trung tâm Lý Sơn cho biết, ở đây có một loại hàng bán chạy nhất, đó là Quốc kỳ. Thì ra, trong hành trang của một chuyến ra khơi, ngoài hàng tháng lương thực và nhiên liệu, mỗi tàu cá thường mang theo hàng chục lá Quốc kỳ. Họ không để lá cờ Tổ quốc trên con tàu mình bị phai màu, biến dạng sau thời gian chịu đựng sóng gió; nhất là sau những cơn giông bão (mà ở nơi ấy, chuyện thời tiết thất thường thì không hiếm), để lá Quốc kỳ luôn đỏ thắm, kiêu hãnh giữa biển khơi.
Theo sơ đồ, tôi phi thẳng lên đỉnh núi Thới Lới. Đỉnh núi nằm ở cao độ gần 170m so với mặt biển, cho ta điều kiện quan sát, đưa ống kính khắp bốn hướng để thu toàn bộ khung cảnh của Lý Sơn. Tôi bất ngờ trước cảnh sắc thơ mộng. Một hồ nước ngọt khá lớn, món quà của tạo hóa qua sự sáng tạo của con người, đã trở thành nguồn nước phục vụ sinh hoạt và cung cấp cho các cánh đồng hành tỏi, rau quả của bà con trên cả hai đảo Lớn và Bé. Với giọng nói đủ các vùng miền, chúng tôi đến thăm Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Thới Lới. Hoàng hôn xuống dần, hệ thống chiếu sáng hắt những chùm ánh sáng lộng lẫy, cơ hội hiếm có để các “tay máy” thi nhau bấm chớp lia lịa…
Sau khi dùng bữa tối với các món hấp dẫn, như gỏi rong biển, ốc tượng, cháo nhum… Tôi thả bộ đến “Chợ đêm hải sản” gần cầu cảng Lý Sơn. Dưới ánh điện sáng bừng, chợ vừa nhộn nhịp vừa đa dạng các mặt hàng, giá cả chẳng mắc hơn so với đất liền. Hai bên đường, những phên mực khô, cá khô, được bà con dựng đều tắp, tỏa ra mùi thơm dễ chịu.
Đêm Lý Sơn bình yên đến nao lòng. Những con sóng lăn tăn thay nhau ve vuốt mom bờ nham thạch. Gió biển hây hây làm dịu nhanh cảm giác hầm hập ban ngày. Xa xa, những chùm đèn led câu mực, múc sứa biển… Xa nữa, ngoài kia, như thành phố về đêm. Khu vực cột cờ Tổ quốc ở Quảng trường Hoàng Sa rộng mênh mông. Trẻ em, người lớn đến đây để thưởng thức, vui chơi, trút bỏ căng thẳng sau một ngày tất bật. Thì ra, Lý Sơn mà tôi từng mơ ước là thế! Ai ai cũng rất đáng yêu, mọi thứ đều rất gần gũi, chẳng hề cách xa chút nào.
Giữa những ngày xuân Quý Mão, tôi bồi hồi nhớ cuộc trò chuyện ở đảo Lý Sơn. Càng nghĩ về lòng quả cảm của ông cha thuở trước, tôi càng cảm phục những con người đang trần mình cùng sóng gió hôm nay. Theo các ngư dân Lý Sơn, mấy năm nay, nhiều tàu cá của bà con Quảng Bình đã có mặt tại vùng biển Hoàng Sa. Họ làm ăn tốt, ứng phó với thiên tai rất lanh lẹ và sẵn sàng giúp nhau lúc rủi ro, sự cố. Đã có trường hợp tàu cá Lý Sơn bị tàu nước ngoài vô cớ rượt đuổi, nhờ tàu Quảng Bình hỗ trợ mà về tới đảo an toàn. Tới kỳ trăng, nhiều tàu vào sửa chữa máy, xử lý vỏ tàu, hoặc neo đậu nghỉ ngơi, “lấy tổn” tại hòn đảo này. Qua thông tin trên, tôi hiểu rằng, sự có mặt của các tàu cá Quảng Bình làm cho hoạt động đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền ở vùng biển Hoàng Sa, cũng như diện mạo nghề cá ở huyện đảo Lý Sơn thay đổi hẳn, lòng tôi xốn xang giữa mùa xuân mới. Xưa, ông cha ta, nhiều người ở Quảng Bình từng được triều đình tuyển chọn, tham gia những người giữ cõi. Nay, dù biển Đông luôn dậy sóng, nhưng bất chấp tất cả, các thế hệ tiếp nối đã có phương vị hải trình, đi và đến bất cứ nơi đâu trên vùng lãnh hải Việt Nam, giữ lấy biển trời, đảo nổi, đá chìm và vùng tài nguyên vô tận mà ông cha ta chuyển giao để mưu sinh.
Hôm đứng ở chân cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Thới Lới, tôi dành mấy phút để lắng lòng, khi phía biển khơi hừng lên vô số những vầng sáng giữa trùng dương bao la.
Nguyễn Tiến Nên