Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý 1/2024, toàn ngành xi măng xuất khẩu khoảng 7,9 triệu tấn sản phẩm, thu về 298 triệu USD, sản lượng bằng với cùng kỳ năm trước nhưng trị giá giảm 11,7%. Đáng chú ý, đà giảm xuất khẩu của mặt hàng này đã kéo dài sang năm thứ 3.
Năm ngoái, xuất khẩu của ngành đã lao dốc mạnh do nhiều thị trường chủ lực như Trung Quốc, Bangladesh... giảm mua xi măng, clinker từ Việt Nam.
Lũy kế cả năm 2023, ngành xi măng xuất khẩu hơn 31,3 triệu tấn clinker và xi măng, tương đương hơn 1,32 tỷ USD, giảm 1,2% về lượng, và giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu xi măng và clinker quý đầu năm 2024 giảm mạnh là do Trung Quốc giảm nhập khẩu. Bởi thị trường bất động sản nước này chưa có dấu hiệu khởi sắc, chưa kể, giá xuất khẩu cũng theo chiều giảm nhẹ, tiếp đà giảm của năm trước.
Ngoài ra, thị trường Phillipines vẫn áp dụng chính sách bảo hộ (thuế chống bán phá giá với xi măng nhập từ Việt Nam).
Chưa kể, giá xuất khẩu xi măng, clinker vẫn duy trì ở mức thấp, kéo dài suốt từ cuối năm 2022 đến nay. Theo các doanh nghiệp, giá xuất khẩu bình quân 12 tháng năm 2023 đạt gần 42,4 USD/tấn, giảm gần 3% so với cùng kỳ.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) dự báo xuất khẩu xi măng, clinker trong năm nay tiếp tục gặp khó, bởi thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, xi măng Trung Quốc cũng bị dư thừa và dự báo sẽ cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu như Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi…
Trong khi đó, nguồn cung xi măng tiếp tục vượt cao so với nhu cầu. Hiện công suất thiết kế của các nhà máy xi măng ở Việt Nam lên đến 120 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu xi măng chỉ khoảng 65 triệu tấn, điều này dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Cùng với mức tăng trưởng trái chiều trên kênh xuất khẩu, điều này sẽ làm gia tăng cạnh tranh trong nước. Trình trạng này đặc biệt xảy ra tại thị trường miền Bắc và miền Trung, khu vực có hầu hết các dự án mới và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn.
Hiện, một số doanh nghiệp đang mở rộng thị trường, chuyển hướng sang các khu vực như Mỹ, Australia, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi nhằm giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines...
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI cho rằng sản lượng tiêu thụ xi măng sẽ chạm đáy trong quý đầu năm 2024 và dần phục hồi trở lại trong thời gian tới. Cụ thể, đơn vị này dự báo mức tiêu thụ xi măng trong quý 1/2024 sẽ ở mức thấp kể từ quý 3/2021 do các yếu tố mùa vụ như nghỉ Tết Nguyên đán và nhu cầu vẫn ở mức yếu.
Tuy nhiên, kể từ quý 2/2024, sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, các dự án đầu tư công lớn như sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc ở miền Trung và miền Nam có thể bù đắp nhu cầu yếu trong năm 2024.
Về xuất khẩu, SSI cho rằng tăng trưởng ở thị trường xuất khẩu có phần hạn chế do Trung Quốc giảm nhập khẩu xi măng của Việt Nam. Ngược lại, Bangladesh là thị trường ghi nhận tăng trưởng khi xuất khẩu xi măng và clinker sang nước này tăng 40% so với cùng kỳ nhờ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
SSI kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất xi măng sẽ chạm đáy trong quý 1/2024, sau đó cải thiện dần trong các quý tiếp theo. Tuy nhiên, lợi nhuận có thể sẽ vẫn yếu (thấp hơn năm 2022) do sản lượng tiêu thụ phục hồi chậm và chi phí quản lý và bán hàng không thay đổi.
Thúy Hà