Nhâm nhi chén trà nóng, chăm chú theo dõi thời sự buổi tối, ông Sửu giật mình vì tiếng chuông điện thoại reo to. “Có tai nạn ở Đăng Rách, bác mau đến giúp” - giọng nói gấp gáp từ đầu dây bên kia của một cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Gung Ré cầu cứu. Khoác vội chiếc áo rồi lên xe, gần như ngay lập tức ông có mặt tại hiện trường để đưa người gặp nạn đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu. “Rất may, vết thương không quá nặng và được các y, bác sĩ chăm sóc kịp thời” - ông Sửu thở phào nhẹ nhõm quay về nhà. Trời cũng đã khuya...
Ấy là câu chuyện của hơn một tháng trước và cũng là công việc “không lương” mà ông Sửu duy trì suốt hơn 10 năm nay. Dù đêm hay ngày, mỗi khi có cuộc gọi cần giúp đỡ, từ sinh đẻ đến tai nạn cấp cứu, ông đều tạm gác lại công việc để lái chiếc xe 0 đồng của gia đình đi cứu người.
Tuổi 62, ông Sửu - hội viên Hội CCB Tổ dân phố 12 (thị trấn Di Linh) - luôn được mọi người xung quanh kính trọng, không chỉ vì ông là một tấm gương làm kinh tế giỏi mà còn là người có tấm lòng hảo tâm hay giúp người. Sinh ra ở Hồng Châu, Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ ngày nay), 19 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông nhập ngũ và trở thành thanh niên xung phong của Sư đoàn Pháo binh 32, Quân khu 2, anh dũng tham gia nhiều trận đánh lớn bảo vệ biên giới phía Bắc.
Hòa bình lập lại, ở tuổi 27, một lần nữa theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông cùng vợ và ba con nhỏ khăn gói vào Di Linh làm kinh tế mới. “Đất trống, người thưa, xa lạ nơi xứ người, là những chuỗi ngày khó khăn, ăn khoai độn sắn qua ngày” - ông Sửu trầm ngâm nhớ lại. Nhưng với bản lĩnh, tính tự lực, tự cường được tôi luyện trong những năm tháng quân ngũ đã giúp ông vững chí vượt qua. “Hai vợ chồng động viên nhau làm việc, chăm chỉ từ sáng đến khuya muộn, từ khuân vác, cuốc thuê, thậm chí nhặt ve chai để có thêm thu nhập”, bởi ông tin rằng “chân cứng thì đá mềm”.
Thật vậy, sau nhiều năm miệt mài làm việc và tích góp, ông Sửu cũng đã mua được mảnh đất lập nghiệp cho riêng mình. Ngoài 5 ha cà phê, ông kinh doanh thêm dịch vụ cưới hỏi, do vậy cuộc sống gia đình cũng dần đi vào ổn định. Không dừng lại ở đó, năm 2014, nhận thấy nhu cầu về trang trí nội thất đồ gỗ ở thị trấn khá tốt, ông Sửu mày mò tìm hiểu học hỏi và mạnh dạn mượn hơn 4 tỷ đồng đầu tư vào kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ. Nhờ nắm bắt nhu cầu thị trường, không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã và hơn hết là sự động viên của vợ con, xưởng gỗ mỹ nghệ Ngọc Biên của ông chỉ trong thời gian ngắn đã khẳng định được chỗ đứng với người tiêu dùng. Từ các mảng sản xuất và kinh doanh đó, mỗi năm, gia đình ông Sửu thu về hơn 1 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động, trong đó có nhiều con em CCB.
Vốn là người nặng nghĩa tình, nên gần 20 năm nay, dù lúc đang khốn khó nhất, ông Sửu vẫn sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào mà ông biết. Ngoài giúp đỡ đồng đội phát triển kinh tế, tạo việc làm cho con em CCB, gia đình ông còn hỗ trợ 200 nghìn đồng mỗi tháng cho những hộ nghèo, bệnh tật, neo đơn; hiến 1.000 m2 đất để mở đường đô thị, và ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho các phong trào đoàn, hội trên địa bàn. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh, gia đình ông đã góp 50 triệu đồng cho Quỹ Vắc xin và tình nguyện nấu cơm cho hơn 20 chốt phòng, chống dịch ở địa phương. Ngoài ra, ông còn đi đầu trong việc vận động con em trong dòng họ tham gia hiến máu nhân đạo. Từ năm 2014 đến nay, gia đình ông luôn có gần 40 người hiến máu 2 đến 3 lần mỗi năm.
Ý nghĩa hơn, trong suốt hơn 10 năm qua, ông Sửu đã lái hàng trăm chuyến xe giúp người bị nạn, cứu sống nhiều người thoát cửa tử, hay giúp bao sản phụ vượt cạn thành công. Hai khóe mắt đỏ hoe, ông Sửu xúc động nhớ lại câu chuyện nhiều năm về trước. Chuẩn bị đi ngủ sau một ngày dài làm việc vất vả, điện thoại bỗng reo. Ở đầu dây bên kia, người đàn ông gấp gáp báo, có người bị rắn cắn, đang nguy kịch. Chạy đua với thời gian, ông đưa người gặp nạn đến bệnh viện. “Chỉ cần trễ 5 phút, nạn nhân khó qua khỏi” - như lời bác sĩ nói. “Suốt đêm hôm đó, tôi không ngủ được - mình vừa cứu được một mạng người” - ông Sửu xúc động kể.
Cũng từ lần đó, ông thấy công việc mình làm càng ý nghĩa hơn. Do vậy, dù lúc bận việc không thể lái xe đến, ông Sửu vẫn gọi taxi đón và trả tiền giúp người gặp nạn. Tuổi cao, bận rộn công việc, nhưng việc làm ý nghĩa này vẫn được ông duy trì đến nay. “Giúp người là điều bản thân muốn làm, vậy nên tôi không thấy bất tiện, nề hà gì. Giúp cho người cũng chính là giúp mình được an vui” - ông chia sẻ.
Với những đóng góp không ngừng nghỉ trong suốt thời gian qua, ông Sửu vinh dự được Trung ương Hội CCB khen tặng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2016-2021.