Chuyên luận là thể loại chủ lực của báo chí. Trong môi trường truyền thông hiện đại, sự lựa chọn, đòi hỏi ngày càng khắt khe của bạn đọc đặt các cây bút chuyên luận vào cuộc thử thách và sàng lọc gắt gao. Để thuyết phục bạn đọc, chuyên luận không chỉ đi vào các vấn đề thời sự của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội, mà còn phải luôn đổi mới cách tiếp cận, cách thể hiện để thu hút và thuyết phục công chúng. Cùng với sứ mệnh khẳng định, bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chuyên luận còn là vũ khí đấu tranh sắc bén làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.
Là một cây bút từng trải, say nghề, đa năng, giàu kinh nghiệm, Đại tá, nhà báo Phan Tùng Sơn thể nghiệm và để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc, công chúng trên nhiều lĩnh vực, nhiều thể tài, như: Thơ, truyện, phóng sự và dẫn chương trình truyền hình. Anh còn tham gia công tác giảng dạy cho sinh viên báo chí ở một số trường đại học, cao đẳng và tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền cho ngành Tuyên giáo, Hội Nhà báo các địa phương. Thực tiễn làm nghề phong phú, sinh động ấy chính là chất liệu giúp nhà báo Phan Tùng Sơn có nhiều lợi thế khi viết chuyên luận và đã đạt được những thành công nhất định. Anh là một trong những nhà báo viết chuyên luận chủ lực của Báo Quân đội Nhân dân và là cây bút có bản sắc trong làng báo hiện nay, đã được trao nhiều giải thưởng báo chí cấp Trung ương và các bộ, ngành, địa phương.
Bằng sự kết hợp khéo léo các thể tài văn chương, báo chí, vận dụng nhuần nhuyễn cơ sở lý luận, thực tiễn và vốn văn hóa dân gian, nhà báo Phan Tùng Sơn thổi vào các tác phẩm chuyên luận sự tươi mới trong hình thức, sự sâu đằm, giàu tính thuyết phục trong nội dung. Nhờ đó, các bài viết của anh dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm nhận, phù hợp với các giới độc giả, nhất là đối với cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội…
“Tâm của phản biện” tập hợp 27 bài báo chuyên luận, gồm hai phần “Cái vỏ ốc và tầm nhìn phản biện” và “Chân - thiện - mỹ trong môi trường nghệ thuật 4.0”.
Phần I là những bài chuyên luận chọn lọc, nội dung tập trung vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay.
Phần II với mục đích trao đổi, tác giả đề cập đến một số vấn đề nổi cộm về đời sống văn hóa nghệ thuật trong thời đại công nghệ số; tiếp cận, phân tích, lý giải ở góc độ tích cực, nhằm khẳng định và bảo vệ các giá trị “chân - thiện - mỹ”. Đây là cách “mềm hóa” thể tài chuyên luận, vốn được coi là khô khan, kén độc giả, giúp cho cuốn sách có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng khó tính của bạn đọc.
Các bài viết trong cuốn sách là những góc tiếp cận của tác giả đối với các vấn đề cấp thiết của xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc trong đời sống văn hóa nghệ thuật… Trên tinh thần “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, mỗi bài viết là một “lát cắt”, là những góc nhìn cận cảnh của từng vấn đề cụ thể.
“Tâm của phản biện” là một ấn phẩm quý, là một tiếng nói góp phần chấn hưng các giá trị văn hóa, đạo đức trong tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên; đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái và những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, chính trị tư tưởng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và công chúng.
Trong giai đoạn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, từng bước thích ứng tiến tới chung sống an toàn với dịch bệnh, khôi phục các hoạt động kinh tế-xa hội… việc xuất bản cuốn sách này càng có ý nghĩa quan trọng.
“Tâm của phản biện” là cuốn sách thứ hai của Đại tá, nhà báo Phan Tùng Sơn. Trước đó, năm 2017, anh ra mắt cuốn truyện ký “Mật mã Đặc khu” viết về cuộc đời nhà cách mạng Phan Kiệm, được giới chuyên môn và bạn đọc đánh giá cao.