Đầu tư công bùng nổ: Động lực chính cho ngành thép
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, giải ngân đầu tư công năm 2025 dự kiến đạt 790.727 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 670.000 tỷ đồng năm 2024. Các dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành, đường vành đai 3 TP.HCM và cao tốc Bắc - Nam đang được đẩy nhanh tiến độ, tạo ra nhu cầu tiêu thụ thép khổng lồ.
Về dài hạn, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 30/11/2024 sẽ là động lực lớn cho ngành thép.
Dự kiến, dự án này sẽ tiêu thụ khoảng 6 triệu tấn thép các loại. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp thép như Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim… gia tăng sản lượng, củng cố vị thế trên thị trường.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thép năm 2025
Báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2024, sản lượng thép tiêu thụ nội địa đã tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, đạt 26,7 triệu tấn. Đáng chú ý, thép xây dựng chiếm phần lớn với 9,1 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2023.
Sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước ghi nhận phục hồi tích cực với động lực chính từ thị trường nội địa: Nhu cầu vật liệu xây dựng tăng lên sau cơn bão Yagi; hoạt động xây dựng sôi nổi hơn nhờ thị trường bất động sản hồi phục và đầu tư công được đẩy nhanh vào nửa cuối năm.
Điều này phản ánh sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường bất động sản và sự gia tăng trong đầu tư công. Ngoài ra, các doanh nghiệp thép lớn đã và đang mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng cao.
Thị trường xuất khẩu thép cũng ghi nhận tín hiệu tích cực, với nhu cầu từ ASEAN và EU gia tăng, đóng góp lớn vào doanh thu ngành thép.
Giá thép ở vùng đáy 4 năm
Về giá thép, giá mặt hàng này tại thị trường nội địa đã hạ nhiệt, neo quanh mức 13,5-14 triệu đồng/tấn. Đây là vùng giá thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại. Các công ty chứng khoán dự phóng giá thép tăng 5% trong năm 2025, nhờ động lực chính từ sự hồi phục của thị trường bất động sản dân dụng với sự hỗ trợ của Chính phủ; hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh; áp lực cạnh tranh từ thép Trung Quốc giảm và giá thép thế giới tạo đáy đi lên.
Một trong những yếu tố thuận lợi hiện nay là giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt và than cốc đang ở mức thấp. Giá quặng sắt đã giảm 23% so với năm trước, trong khi giá than cốc giảm tới 50%. Nhờ đó, các doanh nghiệp thép có thể tích trữ nguyên liệu với chi phí thấp, cải thiện đáng kể biên lợi nhuận.
Các dự án hạ tầng được đẩy nhanh tiến độ, tạo ra nhu cầu tiêu thụ thép khổng lồ
Trong năm 2024, các doanh nghiệp như Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim ghi nhận biên lợi nhuận gộp cao nhất trong 3 năm qua. Theo dự báo, biên lợi nhuận của ngành sẽ tiếp tục tăng 5% vào năm 2025, nhờ nhu cầu ổn định từ các dự án đầu tư công và bất động sản dân dụng.
Dù có nhiều triển vọng, ngành thép năm 2025 vẫn đối mặt với các thách thức lớn. Các biện pháp thuế chống bán phá giá từ Mỹ và EU, cạnh tranh từ thép giá rẻ Trung Quốc, cùng biến động thị trường toàn cầu đang tạo áp lực không nhỏ. Tuy nhiên, Việt Nam đã triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ doanh nghiệp nội địa.
Để vượt qua thách thức, các doanh nghiệp thép cần tập trung vào sản xuất các sản phẩm thép cao cấp, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, đầu tư vào công nghệ sản xuất xanh và phát triển bền vững sẽ giúp tăng cường tính cạnh tranh trong dài hạn.
Sự bùng nổ của đầu tư công đang tạo ra “thời điểm vàng” để ngành thép Việt Nam bứt phá. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội, các doanh nghiệp cần linh hoạt trong chiến lược, không ngừng đổi mới và tối ưu hóa năng lực sản xuất.
Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu và ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ là chìa khóa để ngành thép Việt Nam duy trì đà tăng trưởng bền vững.
Thúy Hà