Tình huống "cân não"
Thượng tá Nguyễn Văn Phòng, Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự TP, hồi tưởng: Khi nhận lệnh từ cấp trên, Trường Quân sự TP là nơi cách ly, điều trị dịch Covid-19, trường đã khẩn trương tổ chức, chuyển đổi công năng trường học thành bệnh viện dã chiến, sắp xếp lại toàn bộ khu vực doanh trại, bố trí lại nhà ở, nhà làm việc, thao trường, giảng đường…, để khu B làm Bệnh viện Dã chiến với quy mô 300 giường.
Ngày 12-2, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi tiếp nhận những ca cách ly đầu tiên. Sau đó, tình hình dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến cực kỳ phức tạp, số lượng người cách ly tăng lên, trường tiếp tục dùng khu C để thành lập khu cách ly với quy mô 300 giường nữa.
"Cùng lúc, trường phục vụ 2 đơn vị là bệnh viện dã chiến và khu cách ly. Đó là những ngày khó khăn vô cùng khi mọi việc chưa vào nề nếp, lực lượng nhận nhiệm vụ tại đây đều phải làm việc hơn 100% sức lực của mình" - thượng tá Nguyễn Văn Phòng tâm sự.
Ông nói lo ăn, ở, vệ sinh phòng… cho người bệnh, người cách ly dù cực và đối mặt với nguy cơ lây nhiễm nhưng các cán bộ, chiến sĩ chưa bao giờ ngại. Điều họ lo nhất chính là không ít người cố tình gây khó dễ, đưa ra nhiều yêu sách "trên trời", đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ nơi đây phải ứng xử bản lĩnh, kiên nhẫn.
"Có người đòi một lần ăn cả một con gà nhưng tiêu chuẩn quy định một phần cơm là 1 cái đùi gà. Suất ăn của họ hơn 100.000 đồng/người/ngày trong khi chế độ của cán bộ, chiến sĩ ở trường là 60.000 đồng/người/ngày nhưng họ vẫn chê" - Thượng tá Nguyễn Văn Phòng nói.
Thậm chí có những hành vi quậy phá, chống đối khi xé quần áo bệnh nhân, nhét vô hệ thống nước, nhà vệ sinh; cố tình làm hư hỏng cơ sở vật chất nơi ở, rồi gây gổ, đánh nhau… Vì vậy, đòi hỏi các cán bộ, chiến sĩ phải xử lý khéo léo, mềm dẻo để không bị xuyên tạc, làm ảnh hưởng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.
Là người giữ đường dây nóng khu cách ly, Đại úy Nguyễn Nho Đông, Trưởng Ban Chính trị Trường Quân sự TP, không ít lần đối diện với những tình huống "nhạy cảm". "Nhiều trường hợp khi tiếp xúc, họ sẽ livestream. Vì vậy, dù có bị khiêu khích cũng luôn bình tĩnh, kiên trì thuyết phục để họ hiểu chính sách nhân đạo của Việt Nam. Nhiều hôm giữa đêm khuya, người cách ly gọi điện đến, nói đủ chuyện, thậm chí chuyện yêu đương, tình cảm. Trong những tình huống đó, đều phải thật tỉnh táo để xử lý" - đại úy Nguyễn Nho Đông đúc kết.
Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ
Từ khi nhận nhiệm vụ phục vụ tại khu điều trị, khu cách ly tại Trường Quân sự TP, các chiến sĩ đã quen với việc ngày ngày dọn dẹp, đưa cơm, vận chuyển đồ đạc, khử trùng, đưa tờ khai xét nghiệm... trong bộ đồ bảo hộ, người luôn đẫm mồ hôi.
Một ngày tại khu cách ly của chiến sĩ Đường Nhật Thành, Trung đoàn Gia Định, bắt đầu từ 5 giờ 30 phút. Vệ sinh cá nhân xong, Thành bắt đầu công việc dọn dẹp vệ sinh phòng cách ly; 7 giờ phát đồ ăn sáng cho người cách ly; 11 giờ 30 phút - 12 giờ phát đồ ăn trưa; 16 giờ 30 phút phát bữa chiều, tối thì đi dọn rác. "Khi nhận nhiệm vụ, ban đầu tôi cũng hơi lo lắng nhưng sau khi hiểu đây là nhiệm vụ cùng cả nước tham gia "chống dịch như chống giặc", tôi thấy vững tin hơn. Gần 1 năm chưa được về thăm nhà nên tôi hay gọi điện về để ba mẹ yên tâm" - Thành tâm sự.
Anh Trương Quốc Vinh - thượng úy chuyên nghiệp, y sĩ của Trường Quân sự TP - kể có trường hợp người thân của chiến sĩ mất cũng không về được. "Thương lắm nhưng vì nhiệm vụ phải gác lại việc riêng. Nhớ nhà cũng phải kìm lòng bởi về nhà, lỡ mình bị mắc Covid-19 rồi lây cho gia đình, cộng đồng. Có những giai đoạn dịch bệnh phức tạp, tất cả lực lượng đều ở lại trường 24/24 giờ. Rất mừng là cho đến nay, anh em chiến sĩ đều an toàn 100%" - anh Vinh nói.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 còn tiếp diễn, cùng với những chiến sĩ khoác áo blouse trắng ngày đêm thực hiện nhiệm vụ, những người lính Bộ đội Cụ Hồ sẽ chung sức, chung lòng bằng những cống hiến và hy sinh thầm lặng.