Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm để lại di chứng nặng nề và vĩnh viễn, gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản
Đối với viêm não Nhật Bản, chủ động phòng ngừa bệnh là giải pháp tốt nhất. Vì vậy, trẻ em và người lớn cần phải có kế hoạch phòng bệnh chủ động.
Vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi.
Ngủ màn để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình.
Rửa tay sạch sẽ.
Không cho trẻ chơi gần chuồng vật nuôi, đặc biệt là gia súc.
Tiêm vaccine đầy đủ và tuân thủ đúng lịch. Tiêm vaccine là một trong những cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay.
Bộ Y tế khuyến cáo, trẻ em nên được tiêm 3 mũi phòng viêm não Nhật Bản theo lịch sau:
Mũi 1: sau 1 tuổi, tiêm càng sớm càng tốt.
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần.
Mũi 3: sau mũi 2 khoảng 1 năm.
Nhắc lại sau 3 - 4 năm cho tới khi trẻ 15 tuổi.
Điều trị viêm não Nhật Bản
Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị viêm não Nhật Bản chủ yếu tập trung điều trị các triệu chứng như chống phù nề não, an thần cắt cơn giật, hạ nhiệt, hồi sức hô hấp và tim mạch, chống bội nhiễm.
Điều trị chống phù não được thực hiện bằng cách truyền các dịch ưu trương để tăng áp lực thẩm thấu, rút nước ở tổ chức, tế bào và khoảng gian bào vào lòng mạch.
Sử dụng Seduxen qua sonde hoặc tiêm bắp thịt, tĩnh mạch cho người bệnh để an thần và cắt cơn co giật.
Hạ nhiệt cho người bệnh là cởi quần áo và chườm đá vào bẹn, nách, cổ, quạt.
Sử dụng lượng kháng sinh có khả năng ngăn ngừa bội nhiễm như: Ampicillin hoặc Cephalosporine thế hệ 3.