Hình minh họa
Điểm tên các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, dự án Chỉnh trang khu dân cư tại lô CTR11, CTR12 và khai thác quỹ đất xen ghép thuộc Khu A – đô thị mới An Vân Dương có tổng vốn đầu tư khoảng 630 tỷ đồng, do Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn IUC – Công ty Cổ phần Tập đoàn BGI làm chủ đầu tư.
Dự án là Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 1 (thuộc khu B, đô thị mới An Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế) có tổng vốn đầu tư khoảng 1.117 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Apecland Huế làm chủ đầu tư.
Dự án Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2 (thuộc khu B, đô thị mới An Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế) có tổng vốn đầu tư khoảng 2.242 tỷ đồng, do Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cotana-Công ty cổ phần Tập đoàn TeLin- Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản Cotana Capital làm chủ đầu tư.
Dự án Khu đô thị Phú Mỹ An có tổng vốn đầu tư khoảng 1.024 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Aninvest Huế làm chủ đầu tư.
Tổ hợp Thương mại, Shophouse, Chung cư thương mại Toyota Huế (tại lô C, Khu đô thị Phú Mỹ An, phường An Đông, thành phố Huế) do Công ty Cổ phần Toyota Huế làm chủ đầu tư.
Bình Dương sắp xây dựng nút giao 3.500 tỷ đồng kết nối TP.HCM
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương, dự án nút giao Sóng Thần sẽ được xây dựng trên diện tích 157.129m2, nằm tại khu vực giao cắt Quốc lộ 1A và giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TP.HCM.
Dự án bao gồm các hạng mục chính như đường chui, các nhánh cầu vượt, với tổng chi phí giải phóng mặt bằng 1.910 tỷ đồng, chi phí xây dựng 879 tỷ đồng và các chi phí khác. Phương án đầu tư đã được lấy ý kiến từ UBND TP.HCM và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Dự kiến, trong quý I/2025 - thẩm định chủ trương đầu tư, họp thống nhất nguồn vốn và phương thức triển khai. Quý II/2025 - phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quý III - IV/2025 - lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà thầu và năm 2026 sẽ khởi công dự án.
Khi hoàn thành, nút giao Sóng Thần sẽ không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông mà còn tăng cường khả năng kết nối giữa Bình Dương với TP.HCM, cũng như các tỉnh lân cận qua tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi Bình Phước trong tương lai.
Hé lộ thời điểm vận hành hai nhà máy hơn 17.800 tỷ đồng tại Hải Phòng
Ban QLKKT đã kiểm tra Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance tại khu công nghiệp Đình Vũ (KCN). Dự án chính thức khởi công ngày 11/5 với tổng vốn đầu tư ban đầu là 100 triệu USD (2.400 tỷ đồng), dự kiến đến năm 2030, tổng vốn đầu tư của nhà máy sẽ đạt 500 triệu USD (11.900 tỷ đồng).
Dự án có mục tiêu là sản xuất nguyên liệu, sản phẩm nhựa phân huỷ sinh học và các nguyên liệu có liên quan trong quá trình sản xuất nguyên liệu sinh học. Quy mô sản xuất sản phẩm nhựa phân huỷ sinh học PBAT là 70.000 tấn/năm; sản phẩm nhựa phân huỷ sinh học PBS là 59.500 tấn/năm; sản phẩm dung môi THF (sản phẩm phụ tạo ra trong quá trình sản xuất PBAT) là 6.300 tấn/năm. 500 triệu USD.
Dự án do Công ty TNHH Ecovance Việt Nam thuộc Tập đoàn SK Hàn Quốc làm chủ đầu tư. Hiện đã đạt 61% tiến độ. Dự kiến nhà máy sẽ tháng 6/2025; vận hành thử nghiệm vào tháng 7/2025 và vận hành chính thức vào tháng 9/2025.
Cùng ngày, Ban QLKKT cũng kiểm tra tiến độ nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam, giai đoạn 2 tại KCN Đình Vũ khởi công ngày 10/4. Đây là dự án sản xuất, lắp ráp bảng mạch điện tử, thiết bị đeo được, thiết bị cầm tay thông minh, thiết bị dân dụng; linh kiện, bảng mạch của các sản phẩm như máy vi tính, thiết bị ngoại vi của máy tính: sản phẩm điện tử dân dụng, thiết bị ứng dụng đo lường, dẫn đường và điều khiển; thiết bị truyền thông dữ liệu. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 215 triệu USD (hơn 5.471 tỷ đồng).
Thu hồi 136ha đất để triển khai hai tuyến vành đai trọng điểm của Hà Nội
Hà Nội dự kiến thu hồi khoảng 136ha đất để triển khai hai dự án giao thông trọng điểm với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, bao gồm đoạn đường Vành đai 3,5 từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và đoạn đường Vành đai 2,5 từ Nguyễn Trãi đến Đầm Hồng. Cả hai dự án đều nhằm giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển đô thị.
Dự án Vành đai 3,5 có tổng chiều dài 10,34km, với điểm đầu tại phố Văn Khê (quận Hà Đông) và điểm cuối giao với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tuyến đường này có chiều rộng từ 60-80m, tốc độ thiết kế 80km/h và được xây dựng 6 cây cầu vượt tại các điểm giao thông quan trọng như sông Nhuệ, cầu vượt Quốc lộ 1A và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Tổng mức đầu tư dự án là 8.556 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư chiếm phần lớn. Tổng diện tích đất cần thu hồi cho dự án khoảng 129,9ha, bao gồm 48,54ha đất trồng lúa 2 vụ.
Theo kế hoạch, việc lựa chọn nhà thầu sẽ được thực hiện từ quý IV/2024 đến quý I/2025. Dự án dự kiến hoàn thành và bàn giao vào quý IV/2027. Khi đi vào hoạt động, tuyến Đường Vành đai 3,5 sẽ kết nối các khu đô thị phía Tây và Nam Hà Nội với các trục giao thông lớn, đồng thời đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực này.
Hoàng An