Hình minh họa
Từ 1/1/2025, 80 phường ở TP.HCM sáp nhập còn 41
Sau khi sắp xếp (sáp nhập) đơn vị hành chính cấp xã, TP.HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 TP; 273 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 210 phường, 58 xã và 5 thị trấn.
Như vậy, TP.HCM sắp xếp 80 phường để hình thành 41 phường mới. Sau sắp xếp giảm 39 phường.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM như sau: Quận 3 sáp nhập phường 9, 10 thành phường 9; phường 12, 13 thành phường 12; Quận 4 nhập phường 6, 9 thành phường 9; phường 8, 10 thành phường 8; phường 14, 15 thành phường 15; Quận 5 nhập phường 2, 3 thành phường 2; phường 5, 6 thành phường 5; phường 7, 8 thành phường 7; phường 10, 11 thành phường 11.
Quận 6 nhập phường 2, 6, một phần phường 5 thành phường 2; phường 1, 3, 4 thành phường 1; phường 9, một phần phường 5 thành phường 9; phường 11 và một phần phường 10 thành phường 11; phường 14 và một phần phường 13 thành phường 14; Quận 8 nhập phường 1, 2, 3 thành phường Rạch Ông; phường 8, 9, 10 thành phường Hưng Phú; phường 11, 12, 13 thành phường Xóm Củi.
Điều chỉnh bảng giá đất Bình Dương, cao nhất 52,1 triệu đồng/m2
HĐND tỉnh Bình Dương mới đây đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh bảng giá các loại đất giai đoạn 2020-2024 trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025.
Theo nội dung Nghị quyết, đối với đất ở đô thị, các tuyến đường loại I ở vị trí 1 của TP Thủ Dầu Một như Yersin, Bạch Đằng, Cách Mạng Tháng Tám, Đại lộ Bình Dương (Quốc lộ 13), Đinh Bộ Lĩnh, Đoàn Trần Nghiệp, Hùng Vương, Nguyễn Du, Nguyễn Thái Học, Quang Trung, Trần Hưng Đạo có giá đất cao nhất là 52,1 triệu đồng/m2. Mức giá mới này tăng gần 38% so với bảng giá đất cũ.
Các tuyến đường loại II ở vị trí 1 của TP Thủ Dầu Một cũng tăng đáng kể, với giá đất mới dao động 20,9-40,7 triệu đồng/m2. Tại TP Thuận An, một số đoạn thuộc các tuyến đường loại I ở vị trí 1 như Cách Mạng Tháng Tám (ĐT.745 cũ), Đỗ Hữu Vị, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Thủ Khoa Huân, Trưng Nữ Vương có giá 28,7 triệu đồng/m2, tăng 49% so với bảng giá đất cũ.
Tuyến đường ven biển 8 làn xe trị giá 7.000 tỷ đồng tại Bà Rịa – Vũng Tàu sắp hoàn thành
Tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu, với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng, đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2025. Đây là một trong những dự án hạ tầng giao thông quan trọng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch của địa phương cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Công trình được nâng cấp từ tuyến đường hiện hữu được xây dựng cách đây 20 năm, hiện đã trở nên chật hẹp và không đáp ứng được nhu cầu sử dụng ngày càng tăng. Sau khi hoàn thiện, tuyến đường sẽ có từ 6 đến 8 làn xe, giúp cải thiện năng lực giao thông và đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên tỉnh.
Tuyến đường đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các trung tâm du lịch biển nổi tiếng như Hồ Tràm, Hồ Cốc với cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Được biết, dự án được khởi công vào tháng 6/2023 và đã hoàn thành một số đoạn quan trọng như đoạn nối đường 991B tại thị xã Phú Mỹ đến quốc lộ 51. Trong khi đó, đoạn từ cầu Cửa Lấp đến nút giao đường ven biển đang được gấp rút triển khai.
Khi hoàn thành, tuyến đường không chỉ tạo sự kết nối giao thông mạnh mẽ giữa Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuyến đường được kỳ vọng sẽ kết nối các điểm du lịch nổi tiếng, tăng lượng khách du lịch và phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp; Hỗ trợ vận chuyển hàng hóa từ cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải đến các khu công nghiệp lớn và các tỉnh lân cận; Tạo động lực phát triển các khu đô thị ven biển và hạ tầng dân cư dọc tuyến đường.
Sân bay 5.800 tỷ đồng ở khu vực đặc biệt của miền Trung đang làm tới đâu?
Theo lãnh đạo UBND huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, tiến độ dự án sân bay Quảng Trị đến nay địa phương đã giải phóng mặt bằng được 228,9ha của giai đoạn 1, đạt 86,28%. Trong đó có 120,77/135,56ha diện tích vùng lõi, đã bàn giao cho nhà đầu tư 72,4/135,56ha diện tích vùng lõi để thi công.
Đối với những diện tích còn lại, huyện đang tập trung chỉ đạo cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan tích cực triển khai. Về công tác đầu tư xây dựng các khu tái định cư, nghĩa địa phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án, huyện Gio Linh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu thực hiện điều chỉnh dự án và hoàn thành hồ sơ phê duyệt dự án. Việc xây dựng 2 trường học ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh đã trình Sở Tài chính bổ sung kế hoạch vốn năm 2024 để huyện có đủ điều kiện thực hiện các bước tiếp theo.
Khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là một số hộ dân ở xã Gio Mai chưa đồng tình phương án di dời mộ phân tán vì số lượng mộ lớn, không có đất để di dời. Một số hộ dân ở xã Gio Quang chưa đồng tình với việc quy chủ đất rừng nên huyện Gio Linh phải thành lập tổ xác minh mới có cơ sở giải quyết.
Hoàng An