Hàng chục năm đã trôi qua, trong tâm khảm của nhiều thế hệ học sinh, cán bộ miền nam, hình ảnh Bác Hồ luôn vẹn nguyên như những ngày họ từng vinh dự gặp Bác. Ngày đó, dù Người chưa có điều kiện để trở lại thăm miền nam như đã khao khát, nhưng ai cũng cảm nhận được miền nam trong trái tim Người mênh mang, thương quý đến dường nào. Kỷ niệm 126 năm Ngày sinh của Bác, những hồi ức của họ lại lung linh hiển hiện.
Hình ảnh Bác Hồ luôn in đậm trong tâm khảm bà Nguyễn Thị Châu
Tháng 10-1962, một đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được ra thăm miền bắc. Nhà thơ Thanh Hải được tham gia đoàn. Ông kể: “Sáng 21-10-1962, chúng tôi được vào thăm Bác. Đồng chí Xuân Thủy đưa chúng tôi đến Phủ Chủ tịch. Xe đưa chúng tôi về một góc vườn có bộ bàn ghế mây lịch sự đã bày sẵn bánh kẹo, hoa quả. Chúng tôi vừa ngồi vào bàn thì Bác đến. Bác ôm hôn chúng tôi và hỏi ngay sức khỏe của mọi người trong đoàn. Bác hỏi thăm luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các vị lãnh đạo khác đang công tác ở chiến trường. Buổi sáng hôm đó, chúng tôi vinh dự được dâng lên Bác những tặng phẩm của đồng bào, chiến sĩ miền nam. Trong những tặng phẩm dâng lên Bác có tập thơ chép tay của nhà thơ Trọng Tuyển. Trước khi hy sinh, anh Trọng Tuyển có ước mơ duy nhất là được gửi kính tặng Bác tập thơ tự tay anh viết. Ước mơ đó của anh hôm ấy đã thành sự thật. Bác cầm tập thơ lặng đi một lúc với niềm xúc động và tình thương bao la đối với miền nam. Rồi Bác đưa tay lên ngực trái, chỗ trái tim mình và nói: Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này… Ngừng một chút, Bác nói tiếp với giọng đầy xúc động: Hình ảnh miền nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi.
Bảy năm sau, một buổi sáng mùa xuân năm 1969, đoàn đại biểu khác của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam ra thăm miền bắc. Đoàn do bác sĩ Phùng Văn Cung dẫn đầu đã đến chào Bác Hồ. Anh hùng LLVTND Huỳnh Thúc Bá, thành viên trong đoàn kể: Đoàn xe đưa chúng tôi tiến vào Phủ Chủ tịch. Kia rồi, Bác đứng giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đón chúng tôi từ ngoài sân. Phút đầu tiên nhìn thấy Bác, tôi lặng người, tưởng như mình đang sống trong mơ. Bác tiến đến và ôm hôn thắm thiết đồng chí Phùng Văn Cung như thắm thiết ôm vào lòng cả miền nam đang chiến đấu anh dũng. Chúng tôi nghẹn ngào xúc động và tràn ngập vui sướng.
Theo lời ông Huỳnh Thúc Bá, khi ấy Bác nhìn khắp lượt rồi nói: Trong thơ Tết năm nay tôi có câu “Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn”. Trong lúc viết như thế, tôi không chắc là ý thơ được thực hiện sớm như vậy. Bây giờ, chào mừng đoàn đại biểu miền nam ruột thịt, nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không hết được ý, tôi xin phép nói một câu: Bước đầu muôn dặm một nhà/Bắc Nam sum họp chúng ta vui mừng. Tôi nhớ Bác hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng câu: Năm nay, Bác mấy mươi rồi, chú? Thủ tướng đáp: Thưa Bác, năm nay Bác bảy mươi chín. Bác bảo: Thế thì còn đến hai mươi mốt năm nữa Bác mới được trăm tuổi. Bác kêu gọi các cô, các chú đánh Mỹ năm, mười, hai mươi năm, chứ có bao giờ Bác nói hai mươi mốt năm đâu. Nếu hai mươi năm nữa mà ta thắng Mỹ thì Bác vẫn còn một năm vào thăm các cụ, các cô, các chú và các cháu miền nam.
Trong hồi ký của ông Nguyễn Xuân Hữu, cán bộ lão thành cách mạng, có viết: “Sau Cách mạng Tháng Tám, điều mơ ước lớn nhất của tôi cũng như của bao đồng chí, đồng bào miền nam lúc bấy giờ là được gặp Bác Hồ. Vinh dự đó đã đến với tôi vào cuối năm 1960, trong dịp đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng. Trong lần gặp này, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, đưa cho tôi ba củ sâm, kèm theo một bản đánh máy hướng dẫn rất tỉ mỉ cách dùng. Bản đánh máy không ký tên nhưng tôi nghĩ do chính tay Bác đánh. Tôi được biết những củ sâm này T.Ư dành riêng cho Bác. Sức khỏe của Bác quan hệ đến vận mệnh của cả nước, nhưng Bác đã dành phần sâm của mình cho tôi. Tôi hiểu đây không chỉ là tình thương của Bác dành riêng cho tôi mà chính là cả tấm lòng của Bác, của cả dân tộc đối với miền nam, “vì miền nam ruột thịt”. Tôi giữ được ba củ sâm của Bác cho đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng. Năm 1976, trong dịp đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội, gặp đồng chí Vũ Kỳ, tôi nhắc lại kỷ niệm cũ. Tôi đã gởi lại ba củ sâm của Bác để Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ”.
Trong căn nhà nhỏ ở một con hẻm thuộc quận 10, TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Châu, nguyên Chủ tịch UBND quận 10 lấy ảnh Bác ra lau. Bà là người vinh dự được ăn cơm với Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng sinh nhật cuối cùng của Người: 19-5-1969. Bà kể: Hôm ấy là sinh nhật Người, Bác ngồi thoải mái, mọi khoảng cách với vị lãnh tụ dường như không còn... Đó là bữa cơm ngon nhất trong cuộc đời làm cách mạng của bà Châu. Bà xúc động: “Khi thức ăn và cơm trên bàn đã hết, người phục vụ dọn ra chiếc bánh kem nhỏ, tôi thấy ghi chữ “Mừng sinh nhật Bác Hồ 79 tuổi”. Bác tự tay cắt bánh chia làm 5 phần. Thấy mọi người ăn bánh xong, Bác đưa luôn phần bánh của mình cho tôi, nói: “Cháu phải ăn cho khỏe”. Đó là sinh nhật cuối cùng của Bác Hồ!
(SGGPO)