(QK7 Online) - Ca khúc “Bài ca may áo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng với ý thơ “Chiến sĩ ta dầm mưa dãi nắng. Mưa rét run người nắng sẫm màu da. Tấm vải ta làm ra mảnh áo. Là chiến sĩ quyết tâm diệt thù…” được ra đời năm 1963, sau khi nhạc sĩ có dịp chứng kiến các cô gái tay thì thoăn thoắt và ánh mắt rạng ngời hạnh phúc khi dệt từng đường kim mũi chỉ, tạo nên những tấm áo nghĩa tình gửi ra chiến trường cho bộ đội giải phóng. Hình ảnh những cô thợ may được nhắc đến trong bài hát chính là những người lính may đo thầm lặng của Cơ sở sản xuất Quân trang Cục Hậu cần Miền (B2) năm xưa, và nay là Xí nghiệp May, Cục Hậu cần Quân khu 7.
Thầm lặng những “người lính xỏ kim”
Năm 1961, Cơ sở sản xuất Quân trang đầu tiên trên chiến trường miền Đông Nam bộ ra đời tại khu B, Chiến khu Dương Minh Châu, Tây Ninh với 18 đồng chí và 6 máy khâu, bảo đảm sản xuất quân trang của Hậu cần tỉnh đội Tây Ninh. Cơ sở này sau đó được xây dựng phát triển thành 2 xưởng may Quân trang của Cục Hậu cần Miền (B2) ở khu A và khu B. Xưởng may khu vực hậu cần khu A có 9 máy may, khu B có 46 máy may (trong đó có 3 máy may vải bố) với năng suất bình quân mỗi máy là 5 bộ quân phục/ngày. Khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn về trang bị, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, cơ sở đã sản xuất bảo đảm 50% kế hoạch, số còn lại đã chủ động phối hợp cùng thợ may trong nhân dân. Do vậy bước đầu đã bảo đảm tốt quân trang cho bộ đội, để bộ đội có sức khỏe tốt mà chiến đấu.
Đến năm 1965, xưởng khu B phát triển lên 80 máy may, với tinh thần trách nhiệm và cố gắng hết mình, các xưởng sản xuất quân trang của cơ sở đẩy mạnh sản xuất, không quản ngày đêm, bom đạn của kẻ thù đã tăng cường sản xuất bảo đảm 100% kế hoạch được giao, còn dự trữ 8.000 bộ quân phục cho năm sau, cấp phân đội được cấp thường xuyên 50 bộ quân phục dự trữ cấp phát cho thương binh…
Phối hợp với nhân dân may áo cho bộ đội - Ảnh: Tư liệu
Trong 3 năm (1969 - 1971), các xưởng may bảo đảm được 999.000 bộ quần áo, 240.000 võng nằm và hàng chục ngàn nón tai bèo để cấp kịp thời cho các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu. Đến cuối năm 1972 với hơn 1.000 máy, năng suất ngày một tăng, may được 329.000 bộ quân phục, đã cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu quân trang cho bộ đội. Từ năm 1962 đến tháng 4 năm 1975, các xưởng may của Miền đã sản xuất 1.650.000 suất quân trang (quân phục, võng, màn), góp phần bảo đảm yêu cầu cơ bản cấp thiết nhất về sinh hoạt của lực lượng vũ trang trong suốt cuộc chiến tranh.
Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, cơ sở đã tổ chức lực lượng chiến đấu bảo vệ trang bị, máy móc kho xưởng và phối hợp tham gia chiến đấu khi địch tấn công phá hoại căn cứ hậu cần. Tháng 8/1965, Mỹ đổ quân càn quét căn cứ khu A, các cơ sở hậu cần của Quân khu miền Đông bị đánh phá ác liệt, 12 kho gạo chứa 580 tấn bị địch đánh phá. Cán bộ, chiến sĩ xưởng may phối hợp lực lượng vũ trang của Cục Hậu cần Miền chiến đấu diệt 20 tên địch, bảo vệ được kho tàng, hai đồng chí đã anh dũng hy sinh ở Đầu Voi. Tháng 5/1967 bộ binh và xe tăng của địch hành quân càn quét đường 26 Cầu Khởi, Tây Ninh, tổ chiến đấu của xưởng may cùng lực lượng của Đoàn 82 kiên cường chiến đấu, ngăn chặn địch, giằng co với địch cả tuần, chiến sĩ của Xưởng may đã dũng cảm, dùng mìn đánh địch, phá hủy 3 xe bọc thép. Cuối năm 1969, địch càn quét liên tục khu vực phía Nam căn cứ khu C, chà đi xát lại nhiều lần. Cán bộ, chiến sĩ xưởng May của Đoàn Hậu cần 83 đã bám trụ địa bàn, anh dũng chiến đấu, 61 đồng chí hy sinh, 12 đồng chí bị thương…
Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, với nỗ lực cố gắng vượt bậc, dù chỉ có 30 đồng chí, trong thời gian ngắn, thợ may của cơ sở đã không quản ngày đêm, may xong 10.000 lá cờ giải phóng, làm nên hình ảnh rực rỡ cờ hoa trong ngày chiến thắng 30/4/1975.
(Còn tiếp)