Sau đêm biểu diễn phục vụ lễ kỷ niệm, theo yêu cầu của trên điều động, đoàn lại lên đường để kịp về vùng ven đô phục vụ cho đồng bào.
Sau khi củng cố mọi mặt, đoàn chúng tôi với trang phục, dụng cụ nhẹ hành quân ngày đêm, qua vùng sông Tha La, sông bà Hảo, Bời Lời, Tràng Cỏ, Cầu Xe, Sóc Lao, Truông Mít ... Ngày nghỉ, đêm đi dù mệt nhưng ai cũng mong sao cho kịp đêm giao thừa có mặt tại Gót Chàng (Củ Chi) để mùng Một Tết phục vụ đồng bào mà địa điểm biểu diễn là ở xã Nhuận Đức.
Cái tết tạm thời ngừng bắn thật thanh bình. Vùng ven Nhuận Đức, Củ Chi hồi ấy chưa hẳn là một vùng trắng. Đồng bào vẫn còn có người ở rải rác trong các lô cao su ven lộ. Ngày đầu năm mới, người xe đi dập dìu, xe cộ đủ loại, nhưng chủ yếu vẫn là xe đạp. Bà con về đốt hương cúng người đã khuất, thăm lại vườn xưa, nhà cũ. Cán bộ Mặt trận giải phóng từ các nơi cũng tranh thủ về gặp họ hàng thăm hỏi và tuyên truyền chính sách của Mặt trận...
Mười tám giờ, tất cả chúng tôi tập trung. Sân khấu được làm bằng mấy bộ ván gỗ kê trên các thùng phuy cao, phải có cầu thang bước lên. Mới khoảng hai mươi giờ đã có hàng ngàn người dân ở địa phương, dân ở Sài Gòn, có cả gia đình vợ con của sĩ quan, binh sĩ ngụy đến dự. Bên cạnh đó là rất nhiều các cháu học sinh, sinh viên, các nhà trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, bà con tiểu thương ở Sài Gòn áo quần đủ sắc màu, ai nấy đều tươi cười hớn hở.
21 giờ, buổi biểu diễn bắt đầu. Bài ca “Giải phóng miền Nam” do tôi chỉ huy đã được chọn làm tiết mục mở màn. Cả đoàn lên sàn diễn, ánh sáng bằng đèn Măng Sông sáu đến tám chiếc. Sân khấu rực rỡ, các diễn viên tư thế trong bộ quân phục bằng vải xám có viền chỉ đỏ ở các tay áo và đường đỏ thẳng đứng theo ống quần mà chúng tôi vừa được các anh chị em ở Quân trang U60 Cục Hậu cần Miền thực hiện theo mẫu của văn công quân đội ở miền Bắc, chỉ khác là áo sơ mi có quai ở vai, bỏ trong quần và mũ tai bèo.
"Tình yêu người lính" được tổ chức tại Quân khu 7 năm 2013 - Ảnh: CTV
Các tiết mục kế tiếp là múa “Soi gương”, múa “Chiếc thùng hom”, múa “Tân Cương”... là các bài hát “Rừng xanh quê hương ta”, “Bài ca may áo”, “Những cánh tay miền Nam trên đất Bắc”, “Hành khúc giải phóng”, ca cổ, kịch... đã thực sự lôi cuốn người xem. Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò, tiếng hoan hô vang dậy. Những nụ cười, những giọt nước mắt vì vui sướng được xem văn nghệ cách mạng qua phong cách biểu diễn mới lạ. Tôi chợt nhớ lại trước khi lên đường về Nam, đồng chí Tố Hữu, đồng chí Lê Quang Đạo có dặn: “Các đồng chí là đoàn văn nghệ sĩ đầu tiên được Đảng, Quân đội cử về Nam, phải hoạt động văn nghệ khá hơn thời kỳ chống Pháp, chương trình phải năng động, sáng tạo cho phù hợp tình hình, nhưng phải giữ được phong cách quân đội, màu sắc địa phương và nền văn nghệ cách mạng”.
Đến 3 giờ sáng ngày mùng 2 Tết đồng bào mới chịu về. Họ lưu luyến tiễn đưa nắm tay chúng tôi hẹn gặp lại, nhất là một số sinh viên, nghệ sĩ, nhà báo ở nội đô Sài Gòn, có người còn ghé tai tôi hỏi nhỏ: Chú ơi tết năm sau đoàn có về lại nữa không.
Sau đêm đó, chúng tôi lại lên đường về một địa điểm khác để tiếp tục công việc của mình. Các chương trình biểu diễn ở chỗ nào người xem cũng đông nghịt, tình cảm quân dân thật khó nói nên lời vừa xúc động, vừa ngỡ ngàng, kẹo, thuốc lá đồng bào gởi tặng cùng với những lời mời chân thành mong chúng tôi ở lại ăn tết với mọi người.
55 năm trôi qua, lớp chiến sĩ văn công Quân giải phóng ngày ấy nay tuổi đã cao, người còn người mất tứ tán khắp nơi. Mỗi năm tết đến, xuân về chúng tôi lại mới có dịp được gặp nhau. Những lúc như thế tay bắt mặt mừng xúc động, nghẹn ngào đến rơi nước mắt. Gió bụi thời gian đã dày, nhưng từ trong sâu thẳm của trái tim mình, với tôi chuyến đi ở Củ Chi vùng ven Sài Gòn mùa xuân năm ấy mãi mãi vẫn là một kỷ niệm đẹp.