Trực sẵn sàng chiến đấu
Chúng tôi đến Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đạ Tẻh lúc còn sáng sớm. Thời điểm này, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đang tất bật chuẩn bị các trang thiết bị, vật tư và nhu yếu phẩm cần thiết để mang đến phục vụ cho người dân ở các điểm cách ly. Ngoài một số đồng chí thực hiện nhiệm vụ trực gác, trực chiến và làm công tác chỉ huy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đạ Tẻh điều động cán bộ, chiến sĩ của đơn vị ra các tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Gần 2 tháng nay, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đạ Tẻh đã và đang áp dụng lệnh cấm trại. Theo đó, 100% cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện ở lại đơn vị và luôn trong trạng thái trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ. Thượng tá Nguyễn Tôn Yên, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đạ Tẻh cho biết: Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, đơn vị luôn sẵn sàng triển khai nhanh các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 sát với tình hình thực tế, không được lơ là, chủ quan dù chỉ là một phút.
Từ khi trên địa bàn huyện Đạ Tẻh xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên đến nay, các cán bộ, chiến sĩ chưa có một đêm tròn giấc. Toàn bộ lực lượng vẫn đang căng mình cùng các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm soát và phòng chống dịch. Do số lượng các trường hợp F1, F2 liên quan đến các bệnh nhân dương tính tại huyện tăng lên, ngay trong ngày 2/7, UBND huyện Đạ Tẻh chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện kích hoạt toàn bộ các khu cách ly và khu điều trị dã chiến.
Hiện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đạ Tẻh đang đảm nhận trực tiếp việc tổ chức ăn, ở cho công dân tại 3 khu cách ly tập trung của huyện. Đồng thời, phục vụ tại khu hậu cần cho bệnh nhân và các y, bác sĩ tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại xã Đạ Lây.
Thắm đượm tình quân – dân
Từ ngày 21/5 đến nay, Thiếu tá Triệu Phúc Thượng, Phó Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đạ Tẻh chưa về nhà. Gần 60 ngày gác lại việc riêng để phụ trách khu cách ly tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú liên huyện phía Nam, Thiếu tá Thượng vẫn động viên các cán bộ, chiến sĩ cố gắng, vững tâm. Thiếu tá Thượng bảo rằng: “Trước dịch bệnh nguy hiểm, Nhân dân hoang mang thì bộ đội càng phải vững vàng, càng phải duy trì nghiêm quy định trong khu cách ly và nêu cao trách nhiệm chăm sóc, phục vụ Nhân dân cách ly”.
Những ngày công dân cách ly tập trung đông hơn, cán bộ, chiến sĩ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đạ Tẻh nhanh chóng nhường giường cho bà con, còn mình thì chuyển vào trường mầm non gần đó, trải nệm ngủ dưới sàn. Chẳng nề hà, bởi các anh chăm lo cho người dân với tâm niệm không chỉ vì trách nhiệm được giao, mà còn vì tình quân dân thắm đượm, vì nghĩa đồng bào yêu thương.
Ngày nào cũng vậy, cứ đều đặn mỗi ngày 3 buổi, những cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đạ Tẻh trong bộ bảo hộ màu xanh làm nhiệm vụ ở khu cách ly đến từng phòng đưa thức ăn, đồ uống, đo thân nhiệt cho các công dân đang cách ly tập trung tại đây. Với những người dân ở khu cách ly, hình ảnh những người lính Bộ đội Cụ Hồ dần trở nên thân quen với đầy những tình cảm xúc động, trân trọng. Với họ, các anh như người thân, mang lại cho họ niềm tin, sự an tâm giữa bộn bề lo lắng vì dịch Covid-19.
Theo Thượng tá Nguyễn Tôn Yên, tại mỗi khu cách ly, đơn vị bố trí từ 6 – 10 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ, chưa kể lực lượng ở bên ngoài phục vụ việc nấu nướng, vận chuyển đồ ăn, thức uống vào trong khu cách ly. Cùng với đó, đơn vị cũng huy động một lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ tăng cường làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19, tuần tra canh gác; cùng với các lực lượng khác như công an, y tế đi điều tra dịch tễ, truy vết.
Bao nhiêu ngày sống giữa dịch bệnh là bấy nhiêu câu chuyện, hình ảnh cảm động mà các cán bộ, chiến sĩ đã ghi dấu ấn trong lòng bà con. Đó là những đêm thức trắng truy vết, những ngày dầm mưa bám chốt, đảm bảo tốt nhất công tác phòng chống dịch. Và còn những lần không ngại nắng mưa, giúp dân vận chuyển nông sản những ngày xã Mỹ Đức bị phong tỏa.
Đến giờ, bà Nguyễn Thị Thuật (thôn Yên Hòa, xã Mỹ Đức) cảm động khi nhắc đến các chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đạ Tẻh. Dịch bệnh ập đến ngay khi vườn sầu riêng của gia đình bà bước vào mùa thu hoạch rộ. Nếu như trước đây, thương lái vào tận vườn thu mua, tự cắt rồi vận chuyển thì nay, do toàn xã Mỹ Đức đang thực hiện giãn cách xã hội nên thương lái không thể vào trực tiếp. Gia đình bà phải tự thu hoạch, cho xe nhỏ chở ra từng chuyến, tập kết tại đầu các chốt.
Không ngại mưa gió, khi xe bà vừa tới, đã có các cán bộ chiến sĩ, dân quân nhiệt tình giúp bà bốc dỡ sầu riêng xuống xe, rồi lại bốc hàng giúp lên xe cho thương lái. “Trong tình hình giãn cách xã hội, tôi cũng không thể thuê mướn nhân công. Nếu không có sự giúp đỡ của các chú bộ đội, thật tình gia đình tôi chẳng biết xoay sở thế nào” – bà Thuật chia sẻ.
Có ai đó đã nói rằng “dịch bệnh rồi sẽ qua, những bài ca ở lại”. Đổi lại hết thảy những vất vả, hiểm nguy, hy sinh, mất mát, hình ảnh người Bộ đội Cụ Hồ lại càng thêm sâu đậm trong lòng của mỗi người dân ở miền đất lành Đạ Tẻh.