Trong hai ngày 26 và 27/9, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp Dự án World Advanced Science Research (WARP), Trường Đại học Metropolitan Autonomous (Mexico) và Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tổ chức Hội thảo quốc tế “100 năm chủ nghĩa xã hội hiện thực và lý thuyết văn minh hậu tư bản”.
Hội thảo quốc tế có sự tham gia của các học giả đến từ các quốc gia Trung Quốc, Lào, Singapore, Nga, Anh, Đức, Na Uy, Mexico.. cùng học giả đến từ các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học hàng đầu của Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo quốc tế. (Ảnh: VA)
Tại Hội thảo quốc tế, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Cách đây vừa tròn 100 năm, ngày 7/11/1917, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích, Cách mạng Tháng Mười Nga - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới - đã nổ ra và giành thắng lợi, thực sự làm rung chuyển tận gốc rễ hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới, khởi đầu cho những cải tạo xã hội cơ bản mang tính cách mạng trong tiến trình phát triển lịch sử nhân loại, mở ra một kỷ nguyên mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên quy mô toàn thế giới.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cho rằng, trong hơn 7 thập kỷ tồn tại và phát triển, chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã đạt được những thành tựu đáng kể. Lịch sử nhân loại sẽ mãi ghi nhận những đóng góp quan trọng không thể phủ nhận của chủ nghĩa xã hội hiện thực: Mở ra một thời đại phát triển mới; cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân, bảo vệ nền hòa bình thế giới; thức tỉnh, thúc đẩy và giúp đỡ phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Tuy nhiên, mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô Viết cũng chứa đựng trong nó không ít những hạn chế, khiếm khuyết. Đáng tiếc là những hạn chế, khiếm khuyết ấy đã không được nhận thức một cách đầy đủ và khắc phục triệt để, dẫn đến sự trì trệ, xơ cứng, khủng hoảng và sụp đổ.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn bày tỏ, sự tan vỡ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô Viết, chứ hoàn toàn không phải là sự lỗi thời, đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội với tư cách là lý tưởng về một xã hội tốt đẹp và với tư cách là một học thuyết khoa học.
Theo tiếng gọi của Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng Việt Nam đã đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội. Trước đòi hỏi của thực tiễn những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, năm 1986 Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau hơn 30 năm đổi mới và kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản và nhân dân đã lựa chọn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được bảo vệ, giữ vững và đang tiếp tục phát triển.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn chia sẻ: Hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số. Các công nghệ số với phần cứng máy tính, phần mềm và hệ thống mạng ngày càng phức tạp hơn, được tích hợp nhiều hơn, vì vậy đang làm biến đổi xã hội và kinh tế toàn cầu. Có thể nói, Cách mạng 4.0 vừa tạo ra những cơ hội thuận lợi, vừa đặt ra những thách thức đối với sự phát triển của chủ nghĩa xã hội.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với những tác động vô cùng mạnh mẽ, các nước lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa theo những mô hình khác nhau, vì vậy cần phải có sự chuẩn bị, cần phải làm thế nào để có thể chủ động tận dụng được thời cơ và vượt khó khăn, thách thức để đưa đất nước phát triển.
Mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá những thành công, hạn chế cùng những bài học kinh nghiệm của tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực cũng như các mô hình chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 21 dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga. Hội thảo đồng thời là nơi các nhà nghiên cứu lý luận, các nhà hoạch định chính sách, các học giả trong nước và quốc tế đưa ra những dự đoán cho việc xây dựng một trật tự thế giới mới dựa trên một nền văn minh hậu tư bản đề cao quyền dân chủ và sự tự quyết của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, hướng tới mục tiêu cao cả là giải phóng con người.
Trên cơ sở những nghiên cứu quốc tế xung quanh chủ đề của Hội thảo, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, triết học... tham luận, trao đổi về một số nội dung cơ bản: Cách mạng Tháng 10 Nga: bài học lịch sử và ý nghĩa hiện thời; Mô hình xã hội chủ nghĩa thế kỷ XX và bài học kinh nghiệm cho tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI; Công cuộc Đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam; Văn minh hậu tư bản và tương lai của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI; Sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với tiến trình xây dựng nền văn minh hậu tư bản và định hướng phát triển của mô hình chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI....
Nguồn: dangcongsan.vn