Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng có nhiều bước phát triển mới trong chủ trương xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam, để bảo đảm cho Quân đội ta đủ sức mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới…
Sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về xây dựng Quân đội
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Dự thảo) khẳng định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp và có sức mạnh chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống”.
Huấn luyện hiệp đồng, bảo vệ vùng trời, vùng biển. Ảnh: Hải quân
Những luận điểm trên thể hiện sự kế thừa, phát triển trong tư duy lý luận của Đảng ta về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng cũng thể hiện những nét mới rất quan trọng trong chủ trương, đường lối tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Những quan điểm nêu trên bắt nguồn từ quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội.
Học thuyết Mác - Lênin chỉ ra rằng: Giai cấp vô sản muốn giành chính quyền, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản thì phải tổ chức ra một quân đội kiểu mới, được xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Sức mạnh của quân đội cách mạng là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: con người, vũ khí, trang bị, nghệ thuật tác chiến…; trong đó, chính trị - tinh thần là một yếu tố có ý nghĩa quyết định.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo phương châm cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Người căn dặn: "Chúng ta phải ra sức xây dựng quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc".
Người chỉ rõ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam là xây dựng toàn diện, bao gồm tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật và trên mọi nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, lao động sản xuất và công tác; xây dựng đồng bộ các yếu tố tạo thành sức mạnh chiến đấu của quân đội và các mối quan hệ của quân đội. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, “Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”.
Quan điểm của Đảng ta về xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đã được hình thành từ rất sớm và không ngừng hoàn thiện qua các kỳ đại hội của Đảng.
Tháng 9-1954, sau khi quân và dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bộ Chính trị đã họp và ban hành nghị quyết xác định những nội dung nhiệm vụ trên các lĩnh vực, trong đó chỉ rõ: “Cần phải xây dựng Quân đội nhân dân thành một quân đội cách mạng, chính quy, tương đối hiện đại hóa”. Đây được coi là dấu mốc đầu tiên cho sự hình thành quan điểm của Đảng về xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại hiện nay.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 12 của Đảng (tháng 3-1957) tiếp tục khẳng định nhiệm vụ trước mắt và trong thời gian nhất định là: “Tích cực phấn đấu để tiếp tục thực hiện và hoàn thành thắng lợi kế hoạch dài hạn xây dựng Quân đội nhân dân, làm cho quân đội ta trở thành một bộ đội lục quân cách mạng chính quy và tương đối hiện đại, đồng thời đạt những cơ sở đầu tiên cho các quan chủng và binh chủng kỹ thuật”.
Những năm 90 của thế kỷ trước, trước những biến động to lớn của tình hình thế giới và trong nước, nhiệm vụ xây dựng quân đội phải có sự điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tại Đại hội lần thứ VII, Đảng ta xác định rõ chủ trương: “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, tinh nhuệ, với cơ cấu tổ chức và quân số hợp lý; nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 cũng xác định: “Xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân với số quân thường trực thích hợp theo hướng cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, tinh nhuệ, với lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ hùng hậu, có sức chiến đấu cao”.
Không quân nhân dân Việt Nam thực hành bay huấn luyện.
Bước sang thế kỷ XXI, sự xuất hiện của các hình thái chiến tranh và phương thức tác chiến mới, đặt ra yêu cầu bức thiết đối với mọi quốc gia phải đổi mới tư duy quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội. Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta xác định rõ chủ trương: “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng”. Chủ trương này cũng được hiến định tại điều 66 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”.
Từ “ưu tiên” đến “tiến thẳng” lên hiện đại
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, Trung tướng, PGS, TS Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết: “Nội dung trên có nhiều điểm mới so với Văn kiện Đại hội XII, đó là xây dựng Quân đội, Công an thực sự cách mạng, chính quy, nhanh chóng hiện đại, trong đó chú trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng miền, trên biển. Đây là lần đầu tiên, vấn đề xây dựng dân quân tự vệ trên biển được đưa vào văn kiện của đại hội Đảng để định hướng chỉ đạo xây dựng lực lượng này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới; thể hiện bước phát triển quan trọng trong tư duy của Đảng về xây dựng lực lượng quốc phòng trên biển, nhằm tạo ra lực lượng đủ mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống. Quan tâm xây dựng lực lượng trị an cơ sở đủ mạnh đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an cơ sở. Xây dựng, củng cố đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, nâng cao năng lực thi hành pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển đảo.
Hiệp đồng chiến đấu trên biển. Ảnh Hải Quân
Theo Trung tướng, PGS, TS Trần Việt Khoa, Dự thảo cũng có điểm nhấn quan trọng đó là: “Một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”, trước đây Nghị quyết Đại hội XII xác định: “Ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng”.
Theo Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng: Phương hướng nhiệm vụ xây dựng quân đội đã có sự điều chỉnh theo hướng “một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”. Trong bối cảnh hiện nay và trong những năm tới nhiệm vụ hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng là cấp bách hơn, đồng thời có tính khả thi hơn do tiềm lực kinh tế và quốc phòng của ta có bước phát triển nhanh, bền vững, đủ sức đưa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.
Làm rõ hơn vấn đề này, Trung tướng Lương Đình Hồng, Chính ủy Học viện Quốc phòng nhận xét: “Theo tôi, điểm mới của chủ trương trên là ở chỗ: Đảng ta xác định “… một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”. Trước đây Đảng ta chỉ xác định “… ưu tiên hiện đại hóa một số quân, binh chủng, lực lượng”. Điểm mới này là sự phát triển về chất trong quan điểm tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc của Đảng. Điểm nhấn về mặt nội hàm được thể hiện ở hai vấn đề: Một là, trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong tình hình mới; sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi chúng ta phải đẩy nhanh hơn nữa lộ trình hiện đại hóa Quân đội. Hai là, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, thực hiện chủ trương “… ưu tiên hiện đại hóa một số quân, binh chủng, lực lượng” chúng ta đã thu được những kết quả quan trọng. Những kết quả này cùng với sự phát triển của đất nước tạo ra thế và lực; điều kiện cần và đủ để chúng ta xây dựng “… một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”.Hay nói cách khác là: Khả năng thực tế của đất nước và yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải xây dựng “… một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”.
Chính vì vậy, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI vừa qua đã xác định Chương trình hành động xây dựng Quân đội đến năm 2025, trong đó, cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; đến năm 2030 một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại.Theo PGS, TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, dự thảo các văn kiện Đại hội XIII phân tích: So với Đại hội XII, Dự thảo thay chữ “nhanh” bằng “tiến thẳng” và đặc biệt là bổ sung một chủ trương mà được dư luận, cán bộ, đảng viên, nhân dân nhất trí rất cao, đó là xây dựng quân đội tiến lên hiện đại vào năm 2030.
Pháo phản lực BM-21, Lữ đoàn Pháo binh 434, Quân đoàn 4, diễn tập chi viện bộ binh tiêu diệt địch.
Tạo tiền đề vững chắc để từ năm 2030 hiện đại hóa Quân đội
Ngày 28-9-2020, phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030, xây dựng Quân đội hiện đại”.
Chủ trương này là sự nhất quán về quan điểm và quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hiện đại hóa quân đội; được dư luận, cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, nhất trí rất cao. Theo Tiến sĩ Hà Sơn Thái, giảng viên Khoa Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, Học viện Chính trị, chúng ta đang có những tiền đề trực tiếp để thực hiện chủ trương trên. Ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đánh giá về chủ trương xây dựng quân đội được đề cập trong Dự thảo, Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng đối với lực lượng vũ trang nói chung và cảnh sát biển nói riêng. Để xây dựng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam tiến lên hiện đại, cần cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Cảnh sát biển Việt Nam; tham mưu, đề xuất với cấp trên mua sắm một số trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu xây dựng hiện đại. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sẽ tiếp tục quan tâm chăm lo xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo cho toàn lực lượng đủ khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới.
Vùng Cảnh sát biển 3 diễn tập trên biển.
Đại tá, PGS, TS Phạm Văn Sơn, quyền Viện trưởng, Viện KHXH&NVQS cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, quân đội cần chủ động bám sát tình hình, nghiên cứu dự báo chính xác tình hình quốc tế, trong nước, nhất là những động thái mới về quốc phòng, an ninh và xu hướng phát triển của nó tác động đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, để kịp thời xác định chủ trương, giải pháp phòng ngừa, xử lý thắng lợi các tình huống về quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ về chiến lược.
Theo Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng: Quá trình hiện đại hóa quân đội cần tiếp tục đa phương, đa dạng hóa hợp tác quốc phòng gắn với đa dạng hóa nguồn vũ khí, trang bị; đa dạng hóa đào tạo nhân lực; khoa học công nghệ quân sự...
Về vấn đề này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Quá trình xây dựng quân đội cần thực hiện đúng phương châm: từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng là một sách lược đúng đắn, phù hợp với tiềm lực kinh tế, khoa học-công nghệ của đất nước và là cách tốt nhất để đón đầu những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Để thực hiện được điều này “cần khai thác tốt và có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước và con người Việt Nam. Phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, khắc phục mọi khó khăn, cải tiến sáng tạo và sử dụng có hiệu quả vũ khí, trang bị hiện có…. Việc hiện đại hóa quân đội trong tình hình mới đòi hỏi phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng nhằm tạo ra cơ sở vật chất-kỹ thuật quân sự tiên tiến, hiện đại. Trong quá trình hiện đại hóa quân đội, cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người và vũ khí, trang bị. Giáo dục cho bộ đội có lòng tin vững chắc vào thắng lợi của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong điều kiện các thế lực thù địch tiến hành chiến tranh sử dụng vũ khí; công nghệ cao. Đi đôi với hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự phải quan tâm chăm lo xây dựng con người về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, về trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, về phương pháp, tác phong công tác, nhất là chăm lo nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật tự giác, nghiêm minh, ý chí quyết tâm phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội.
Trả lời báo chí về vấn đề này, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh “Chúng tôi cũng nhận được nhiều góp ý, cho rằng quân đội phải “tiến thẳng lên hiện đại”, bỏ “từng bước”, tuy nhiên, đây là một bài toán khó. Ngân sách quốc phòng chỉ là một vấn đề, khi tiến thẳng lên hiện đại tất cả các yếu tố phải đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta phải có con người hiện đại, cách đánh hiện đại. Vì vậy, trước mắt, chúng tôi tập trung xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại như Hải quân, Phòng không - Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử, Trinh sát kỹ thuật, Cảnh sát biển để đáp ứng ngay nhiệm vụ đặt ra”.
Một số sản phẩm thiết bị kỹ thuật ngành thông tin.
Để tạo bước đột phá mới trong xây dựng Quân chủng Hải quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh quân chủng cho biết, sẽ tập trung “Huấn luyện nhiều, kỷ luật nghiêm, bảo đảm kỹ thuật tốt”, lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và xây dựng Quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” làm mục tiêu huấn luyện. Gắn huấn luyện với tăng cường rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, tạo chuyển biến rõ nét về ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của bộ đội…
Nhấn mạnh hai nhân tố quan trọng hàng đầu trong xây dựng lực lượng hiện đại là con người và vũ khí trang bị kỹ thuật, trong đó con người là nhân tố quyết định, Thiếu tướng Trần Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Thông tin liên lạc cho biết: Sẽ tập trung lãnh đạo xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Với trang bị thông tin mới, công nghệ hiện đại ngang tầm với quân đội các nước tiên tiến trong khu vực và phát huy các trang bị thông tin truyền thống, Binh chủng tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc “Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”; phát triển, mở rộng, khai thác sử dụng có hiệu quả mạng thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, hoạt động đối ngoại quân sự...
Nguồn: qdnd.vn