(QK7 Online) - Sinh ra trong cảnh nước nhà bị thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, các cuộc đấu tranh chống Pháp nổ ra và lần lượt thất bại, cách mạng Việt Nam rơi vào bế tắc. Trước tình thế ấy, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã không “Đông du” theo con đường của các bậc tiền bối mà đã rời Tổ quốc sang phương Tây tìm đường cứu nước mang theo khát vọng, hoài bão giải phóng dân tộc. Với bước ngoặt tư tưởng khi bắt gặp “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra chân lý thời đại và “chìa khóa” cho con đường cách mạng Việt Nam. Bằng phương pháp tiếp cận đúng đắn, mạnh dạn, khoa học những tư tưởng cách mạng của Lênin, trên cơ sở bám sát đặc điểm của thực tiễn Việt Nam và thế giới, Người đã có sự kế thừa, vận dụng đúng đắn và phát triển sáng tạo những tư tưởng cơ bản của Lênin. Trong đó, có sự phát triển sáng tạo về vấn đề dân tộc và giải phóng dân tộc, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam và làm phong phú thêm kho tàng lý luận Mác - Lênin. Sự phát triển sáng tạo đó được thể hiện thông qua những nội dung chủ yếu sau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với công nhân Khu công nghiệp Vysocina trong chuyến thăm hữu nghị Tiệp Khắc (17/7/1957). (Nguồn: TTXVN)
Một là, Hồ Chí Minh đưa ra kết luận có tính chất bước ngoặt đối với con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam: “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Ngay khi bắt gặp Sơ thảo luận cương của Lênin, có thể nói, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam. Trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, viết nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh Lênin, Người đã thổ lộ: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên, như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Dưới ánh sáng của Sơ thảo luận cương, Nguyễn Ái Quốc đã nhận rõ con đường cứu nước và giải phóng dân tộc, đó là đặt cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới và đi theo Quốc tế Cộng sản. Người chỉ rõ: “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Từ đó, tạo bước ngoặt quyết định đối với con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam, chấm dứt sự bế tắc về đường lối cứu nước; đồng thời, nâng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam lên một tầm cao mới, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Sự chuyển biến bước ngoặt trên hành trình tìm đường cứu nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh được biểu hiện rõ ở đường lối hành động của Người, quyết định lựa chọn con đường giải phóng dân tộc gắn với cách mạng vô sản. Đây cũng chính là sự sáng tạo to lớn của Hồ Chí Minh, vượt lên trên các nhà yêu nước khác trong việc xác định con đường cho cách mạng Việt Nam. Với việc xác định đúng đắn về con đường cách mạng vô sản, ngay từ những năm 1920 - 1930, trong xác định con đường cách mạng Việt Nam, cũng như về sau này, trong hoàn thiện đường lối và biến đường lối thành hiện thực, Hồ Chí Minh đã không giáo điều, rập khuôn. Người luôn xuất phát từ tình hình thực tiễn của cách mạng, vận dụng những quan điểm của Lênin về cách mạng vô sản, phân tích sâu sắc xã hội Việt Nam để xác định đúng đắn những vấn đề chiến lược, sách lược, bước đi của cách mạng. Theo đó, trong tác phẩm Đường cách mệnh, sau khi phân tích cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp, cách mạng Nga, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy chỉ có cách mạng Nga là đã thành công, thành công đến nơi và rút ra kết luận là phải học tập cách mạng Nga, “phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”. Theo Người, đi theo con đường cách mạng vô sản không phải là làm cách mạng vô sản ngay như cách mạng Nga năm 1917 hay diễn ra như ở các nước tư bản phát triển mà phải tùy theo trình độ phát triển mỗi nước để định ra con đường cách mạng của mình.
Hai là, Hồ Chí Minh chỉ rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân, đưa ra luận điểm nổi tiếng “chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa”.
Hồ Chí Minh là người dân thuộc địa và là người cộng sản đầu tiên có cống hiến to lớn về nghiên cứu chủ nghĩa thực dân và vấn đề giải phóng dân tộc. Người đã vạch trần bản chất và tội ác của chủ nghĩa thực dân, nêu rõ nỗi đau khổ của người dân mất nước và nguyện vọng khát khao được giải phóng, cuộc đấu tranh phản kháng của các dân tộc thuộc địa, không chỉ ở Việt Nam, Đông Dương, mà hầu hết các thuộc địa của Pháp, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha… ở khắp các châu lục. Qua các tác phẩm như Bản án chế độ thực dân Pháp và Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương đã có những ảnh hưởng sâu rộng và được dư luận đánh giá là những tài liệu “có một không hai” về chủ nghĩa thực dân. Điều đó đã được thừa nhận qua đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, có người cho rằng: “Sự phân tích về chủ nghĩa thực dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt hẳn những gì mà những nhà lý luận mácxít đề cập đến”.
Trước những luận điệu về “khai hóa văn minh” đối với các thuộc địa của báo chí tư sản; phê phán những nhận thức sai lầm, phiến diện về các thuộc địa là “những vùng đất bình yên trên nắng, dưới cát với dừa xanh” của những người lao động chính quốc, Hồ Chí Minh đã vạch trần bản chất bóc lột, bạo lực của chủ nghĩa thực dân. Người hiểu rất rõ, đằng sau những từ mỹ miều “tự do - bình đẳng - bác ái”, đó là một sự lừa bịp của xã hội tư bản. Do đó, Hồ Chí Minh khẳng định: lịch sử bất cứ cuộc xâm chiếm thuộc địa nào thì từ đầu đến cuối được viết bằng máu của người bản xứ. Và, các thuộc địa là hiện thân của chế độ dã man, tàn bạo của bọn thực dân đối với người dân bản xứ. Người còn cho rằng: “Tất cả sinh lực của chủ nghĩa tư bản quốc tế đều lấy ở các xứ thuộc địa. Đó là nơi chủ nghĩa tư bản lấy nguyên liệu cho các nhà máy của nó, nơi nó đầu tư, tiêu thụ hàng, mộ nhân công rẻ mạt cho đạo quân lao động của nó, và nhất là tuyển những binh lính người bản xứ cho các đạo quân phản cách mạng của nó”. Cùng với đó, Nguyễn Ái Quốc phân tích và chỉ ra rằng, ngày nay chủ nghĩa tư bản đế quốc đã tiến tới như một khoa học trong thống trị vô sản chính quốc và vô sản thuộc địa: “Nó dùng những người vô sản da trắng để chinh phục những người vô sản các thuộc địa. Sau đó nó lại tung những người vô sản ở một thuộc địa này đi đánh những người vô sản ở một thuộc địa khác. Sau hết, nó dựa vào những người vô sản ở các nước thuộc địa để thống trị những người vô sản da trắng”.
Nguyễn Ái Quốc còn chỉ rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc thực dân thông qua luận điểm: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”. Qua đó, Người khẳng định, chủ nghĩa thực dân không chỉ là kẻ thù của các dân tộc bị áp bức, mà còn là kẻ thù của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chính quốc. Cũng từ luận điểm này và trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm của Lênin về mối quan hệ giữa cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc kiên quyết đấu tranh phê phán những người cộng sản chính quốc coi nhẹ vấn đề thuộc địa, không quan tâm đến cách mạng thuộc địa. Việc tố cáo tội ác thực dân, bênh vực các dân tộc thuộc địa, kêu gọi đoàn kết và quyết tâm đấu tranh giải phóng thuộc địa được xem là sáng tạo và cống hiến mở đầu của Nguyễn Ái Quốc trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Theo nhà sử học Pháp Charles Fourniaux: “Nguyễn Ái Quốc đã có những đóng góp quan trọng vào việc hình thành truyền thống chống chủ nghĩa thực dân - một truyền thống làm vẻ vang cho Đảng Cộng sản Pháp” và đưa ra kết luận: “Vậy thì hẳn rằng: Nguyễn Ái Quốc phải được coi là một trong những người thầy của Đảng Cộng sản Pháp về những vấn đề thuộc địa”.
Ba là, Hồ Chí Minh nêu luận điểm đặc biệt sáng tạo: cách mạng ở các nước thuộc địa có thể nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc và tác động trở lại thúc đẩy cách mạng chính quốc; Nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động đứng lên, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, không ỷ lại chờ đợi cách mạng chính quốc.
Qua việc tiếp nhận những bài học sâu sắc từ Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, cộng với vốn kiến thức lý luận và từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, Nguyễn Ái Quốc đã đề ra những luận điểm về tính chủ động, tích cực của cách mạng giải phóng dân tộc, của nhân dân các nước thuộc địa. Theo Người, cách mạng giải phóng dân tộc các thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc. Nhân dân các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc có thể “chủ động đứng lên, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc. Tư tưởng đó được thể hiện ngay trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp thuộc địa (1921), Người viết: “công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”. Đến tác phẩm Đường Cách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã, đồng thời đưa ra dự báo: “Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ và qua việc thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, sẽ có thể giúp cho những người anh em của họ ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”. Người còn nêu rõ: Những người cách mạng ở thuộc địa cần chủ động tạo ra thời cơ: “Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến!”.
Với luận điểm trên, Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên cho rằng, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng ở “chính quốc”, nhân dân thuộc địa có thể đứng lên tự giải phóng chính mình, cuộc cách mạng có thể thắng lợi trước ở một nước thuộc địa. Những luận điểm cách mạng này của Người đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Rõ ràng, luận điểm của Hồ Chí Minh là khác với quan điểm của một số đông lúc bấy giờ cho rằng cách mạng ở thuộc địa chỉ được giải quyết sau khi giai cấp vô sản ở “chính quốc” giành được chính quyền. Theo Người, sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương. Và, sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất, chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi. Trong Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người viết: “Sự áp bức và bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết. Chính vì vậy mà phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh...”. Chiến lược giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh được hiện thực hóa trong đường lối của Ðảng Cộng sản Việt Nam và đã thể hiện tính đúng đắn, hiệu quả bằng thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, giành độc lập dân tộc, kháng chiến thắng lợi, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội. Như vậy, luận điểm về khả năng giành thắng lợi của cách mạng thuộc địa trước cách mạng chính quốc và nhân dân thuộc địa có thể đứng lên tự giải phóng cho mình là một sáng tạo có tầm quan trọng to lớn của Hồ Chí Minh.
Có thể nói rằng, với những luận điểm được trình bày ở trên, Hồ Chí Minh đã bổ sung, phát triển tư tưởng của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin lên tầm cao mới về tư duy lý luận. Nếu như Lênin đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa tư bản phát triển trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa và đề ra đường lối hành động để lật đổ chủ nghĩa tư bản - đế quốc, thiết lập chuyên chính vô sản và nhà nước công nông đầu tiên mà thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga là một minh chứng lịch sử, thì Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu một cách sâu sắc và đầy đủ nhất chủ nghĩa thực dân trong thời kỳ sau Cách mạng Tháng Mười. Thông qua tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc đã “hướng các dân tộc bị áp bức” đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, tiêu diệt “hai cái vòi của con đỉa đế quốc”. Trên cơ sở đó đề ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc cho nhân dân Việt Nam. Và, không ai khác, chính Người đã lãnh đạo, hướng dẫn cả dân tộc Việt Nam thi hành bản án đó, mở ra con đường dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và từng bước làm phá sản chủ nghĩa thực dân mới. Trước những đóng góp to lớn đó, Hồ Chí Minh được đã được thế giới thừa nhận là “Người khởi xướng phong trào giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX”, và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc”, nhà văn hóa kiệt xuất.
ThS Nguyễn Văn Giang
Khoa Lý Luận Mác - Lênin, Trường Sĩ quan Lục Quân 2