(QK7 Online) - Ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước hiện có 179 hộ dân sinh sống, trong đó có 147 hộ là đồng bào dân tộc Khmer. Ngôi làng này được hình thành từ năm 2002, do Quân khu 7 đầu tư xây dựng để hỗ trợ bà con có nơi ở mới, an cư lạc nghiệp. Sau 20 năm, diện mạo của làng Tà Thiết đã có nhiều khởi sắc. Cuộc sống của người dân ấm no, tiện nghi hơn.
Khởi điểm của ngôi làng chỉ có 62 hộ dân, là người dân tộc Khmer thuộc đối tượng di dời ra khỏi vùng lõi Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam hay còn gọi là Căn cứ Tà Thiết. Năm 1998, Quân khu 7 phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Phước quyết định xây làng mới cho người dân Tà Thiết, đưa người dân của ấp ra khỏi khu rừng Tà Thiết. Năm 2002, ngôi làng Tà Thiết được khánh thành, với 62 căn nhà cấp 4. Mỗi hộ dân được tặng nhà và cấp 3 ha đất để canh tác. Làng mới được Quân khu 7 xây tặng một trạm y tế, một trường học và một nhà văn hóa. Chính quyền địa phương kéo điện thắp sáng, nước sạch, trải nhựa đường giao thông. Từ đó, đời sống người dân Tà Thiết từng bước ổn định và phát triển.
Sau hơn 20 năm định cư tại nơi ở mới, các hộ đồng bào Khmer đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống khá giả, sung túc. Ấp Tà Thiết hiện nay không còn hộ nghèo, riêng hộ khá chiếm tỷ lệ khoảng 30%.
Cuộc sống ổn định của các hộ đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Tà Thiết
Phấn khởi trước sự đổi thay của làng quê, ông Lâm Vi, Ấp trưởng ấp Tà Thiết, vui mừng cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, của Quân khu 7, cuộc sống của bà con ổn định lắm. Ai cũng có nhà cửa khang trang. Nhà nào cũng có mấy hecta đất trồng cao su, tiêu, điều. Trẻ nhỏ 6 tuổi được đến trường, trẻ dưới 6 tuổi thì đi học mẫu giáo. Rồi Nhà nước còn cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho bà con, giúp bà con được chăm sóc sức khỏe tốt hơn”.
Theo lời giới thiệu của ông Lâm Vi, chúng tôi đến thăm gia đình ông Lâm Ry, là hộ khá nhất của làng Tà Thiết. Ngoài diện tích đất 3ha được địa phương cấp, ông Lâm Ry đã tích góp, dành dụm mua được 5 ha cao su, đang độ thu hoạch, mỗi tháng gia đình ông thu nhập từ cao su khoảng 50 triệu đồng. Hiện ông đang tiếp tục mở rộng 1,5 ha vườn điều. Nhờ chăm chỉ lao động, gia đình ông đã mua sắm được ô tô, máy cày, xây thêm nhà mới khang trang, sạch đẹp trên diện tích đất được cấp.
Ông Lâm Ry mở rộng thêm 1,5 ha điều
Gia đình ông Lâm Viên cũng là một trong các hộ khá giả của làng Tà Thiết. Ngoài diện tích 3 ha đất được địa phương cấp, ông Lâm Viên cũng mua thêm được 4 ha đất để trồng cao su và tiêu. Ông cũng chăn nuôi bò để tăng thu nhập. Mỗi tháng gia đình ông thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
Ông Lâm Viên chăm sóc vườn tiêu của gia đình
Gặp gỡ những người nông dân chất phác, lam lũ như các ông Lâm Ry, Lâm Viên mới cảm nhận tấm lòng son sắt của bà con làng Tà Thiết đối với người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lâm Viên không giấu niềm xúc động trước sự giúp đỡ to lớn về vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu đối với bà con nơi đây. “Sau ngày miền Nam giải phóng, bà con chúng tôi không có nơi ở ổn định, sống du canh, du cư trong khu rừng Tà Thiết này. Nhờ ơn Quân khu 7 mà bà con Tà Thiết mới ổn định cuộc sống, có nhà mới khang trang, con cái học hành đàng hoàng. Các con tôi hiện đang học đại học ở TPHCM” - ông Lâm Viên chia sẻ.
Tình cảm quân dân gắn bó ở ngôi làng “Bộ đội Cụ Hồ”
Cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Tà Thiết ngày càng khấm khá. Có cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay, bà con luôn nhớ ơn Đảng, Nhà nước, đặc biệt là tình cảm sâu nặng của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 7 trong hơn 20 năm qua, đã cưu mang, giúp đỡ, tặng nhà, cấp đất, bảo đảm các điều kiện sinh kế bền vững để bà con an cư lạc nghiệp. Tình cảm đó đã in sâu trong tâm thức của mỗi hộ dân nơi đây, là minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó quân với dân như “cá với nước”, cùng nhau xây dựng và giữ vững biên cương Tổ quốc.
Thu Thảo, Lê Tiến