Nhắc về một thời đạn bom, dường như ký ức chiến tranh khốc liệt từ mấy chục năm trước không hề phai mờ trong trái tim người lính ấy, ông tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng không được bao lâu thì kẻ thù lại tràn sang biên giới Tây Nam. 18 tuổi, viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Tháng 2-1976, tôi trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Sau thời gian huấn luyện quân sự. Tháng 8-1976, tôi cùng đồng đội sang chiến đấu tại chiến trường Campuchia và tham gia giải phóng tỉnh Xiêm Riệp. Sau khi giải phóng Xiêm Riệp, tôi và đồng đội được phân công ở lại giữ chốt và làm nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc…”
Chiến đấu tại chiến trường K từ năm 1976, đến tháng 12-1979 thì Phan Văn Tịnh bị thương phải đưa về tuyến sau điều trị. Ông nhớ lại: “Năm 1979, đơn vị thông tin của tôi đóng quân gần chợ Xiêm Riệp. Hôm ấy tôi cùng đồng đội đang trực ban thì bất ngờ có một nhóm tàn quân Pôn Pốt có vũ trang tấn công, chúng bắn giết xối xả... Thấy vậy, tôi nghĩ ngay đến nhiệm vụ phải làm sao bảo vệ cho được mạch máu thông tin liên lạc nên liền leo nhanh lên ngọn thốt nốt cao hàng chục mét để gỡ ăng ten xuống cất giấu. Khi tôi đang leo đến gần ngọn thốt nốt thì địch phát hiện và bắn súng B40 cắt phăng ngọn thốt nốt làm tôi rơi xuống nóc nhà bên cạnh rồi bất tỉnh. Bọn địch tưởng tôi đã chết nên bỏ đi, không ngờ tôi chỉ bị gãy cột sống và vẫn còn sống…”. Sau khi tỉnh lại, Phan Văn Tịnh được biết đồng đội đã chiến đấu ngoan cường suốt từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều ngày hôm ấy, tiêu diệt nhiều tên địch, đẩy lùi cuộc đột kích phá hoại của chúng và buộc chúng phải tháo chạy. Đơn vị vẫn đảm bảo thông tin liên lạc và giữ vững điểm chốt quan trọng. Nghĩ đến đồng đội còn rất trẻ vĩnh viễn nằm lại trên đất Campuchia, Phan Văn Tịnh cảm thấy vết thương của mình thật không đáng kể.
Thương binh tàn nhưng không phế
Do bị thương quá nặng, thương binh Phan Văn Tịnh được đưa về điều trị tại Bệnh viện Quân y 175. Dẫu biết đôi chân bị bại liệt hoàn toàn và nhiều vết thương hành hạ cơ thể, anh vẫn cắn răng chịu đựng, bởi anh tâm niệm rằng: “Mình vẫn còn sống sót sau cuộc chiến khốc liệt ấy là may mắn lắm rồi, do vậy phải sống sao cho xứng đáng với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh…”. Nghĩ thế, trở về cuộc sống đời thường, ông luôn làm theo lời Bác Hồ dặn: “Thương binh tàn nhưng không phế…”
“Ông hòa nhập cuộc sống đời thường như thế nào?” chúng tôi hỏi. Ánh mắt ông vui hẳn lên: “Trong thời gian dài năm điều trị tại Bệnh viện Quân y 175, tình cờ vào dịp lễ kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ (27-7), có một cô giáo trẻ trong đoàn khách của quận Bình Thạnh đến thăm thương binh. Cô đã đem lòng yêu thương. Lúc đầu tôi cũng mặc cảm, nhưng qua thời gian tìm hiểu thấy “tâm đầu ý hợp” nên năm 1980 chúng tôi làm đám cưới. Sau đó hai đứa con trai kháu khỉnh lần lượt ra đời. Tôi không ngờ hạnh phúc quá lớn lại đến với mình như vậy. Tuy nhiên, ngay sau niềm vui đó thì gia đình tôi phải đối mặt với bao khó khăn vì đồng lương giáo viên của vợ không bao nhiêu, tiền trợ cấp thương binh của tôi cũng không nhiều nên gia đình tôi thường xuyên lâm cảnh “Thiếu trước hụt sau”. May sao tôi được đưa về điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và người có công Long Đất (thuộc Bộ Lao động - TBXH, đóng tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nên cuộc sống dần dần ổn định.
Tôi được Nhà nước cấp đất, cấp nhà ổn định chỗ ở và ưu tiên cho gia đình tôi mượn vốn làm ăn. Có vốn, tôi đầu tư mua nước ngọt chở ra bờ biển Dinh Cô cho vợ bán phục vụ du khách. Sau đó tôi còn làm dịch vụ cho thuê phao bơi, áo tắm… Tại nhà, tôi xây chuồng nuôi khoảng 100 con heo thịt và 5-6 con heo nái, nhờ vậy nguồn thu nhập ngày càng khá hơn, đảm bảo nuôi hai con ăn học. Mấy năm gần đây, do tuổi cao sức khỏe giảm sút, tôi đầu tư mở tiệm sửa xe cho hai con trai làm. Nhờ “Nghề dạy nghề” nên giờ đây mấy cha con đều sửa xe rất có uy tín.
Tuy bị liệt cả hai chân và ngồi trên chiếc xe lăn nhưng người thương binh ấy vẫn hàng ngày cùng các con sửa xe cho khách rất cẩn thận, vì thế tiệm sửa xe của người thương binh này luôn đảm bảo “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Bác sĩ Trần Thị Nhung, cán bộ Trung tâm Điều dưỡng Long Đất nhận xét: “Thương binh Phan Văn Tịnh là người có nghị lực vượt khó vươn lên rất kiên cường, khi đã có cuộc sống khá, ông tích cực tham gia công tác từ thiện, giúp đỡ nhiều người nghèo và các thương binh nặng khác. Vừa qua, ông trải qua cơn bạo bệnh “thập tử nhất sinh”, may nhờ tình yêu cuộc sống mãnh liệt của bản thân và sự chăm lo điều trị tận tình của đội ngũ y bác sĩ nên ông đã qua khỏi và động viên vợ con tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, ông Phan Văn Tịnh xứng đáng là tấm gương thương binh nặng vượt khó làm kinh tế giỏi để cho nhiều người noi theo”.