Bến Cừ (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) Ảnh: P.V.
Quân khu 7 là địa bàn trọng điểm chiến lược phía Nam của Tổ quốc, gồm TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Tây Ninh, Long An, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận; tổng diện tích hơn 45.000km2, dân số gần 20 triệu người; có đường biên giới với các địa phương nước bạn Campuchia dài 615,5km trên địa bàn 3 tỉnh: Bình Phước, Long An và Tây Ninh.
Do nhiều nguyên nhân, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí dân cư và thực hiện chính sách, hỗ trợ đưa dân ra biên giới, gắn phát triển KT-XH với xây dựng và bảo vệ biên giới ở một số địa phương còn thiếu đồng bộ. Kinh tế kém phát triển, hệ thống chính trị cơ sở vùng biên giới trên địa bàn Quân khu còn nhiều hạn chế. Xuất phát từ thực tiễn trên, Đảng ủy, BTL Quân khu 7 xác định: Phải xây dựng các điểm dân cư biên giới, hướng tới phát triển thành các khu, cụm dân cư, xã, thị trấn dọc biên giới, hình thành lực lượng tại chỗ, tạo thế vững cho địa bàn biên giới phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh (QPAN), bảo vệ Tổ quốc.
Vấn đề này được đưa ra thảo luận và thống nhất trong Hội nghị Đảng ủy Quân khu 7 phiên cuối năm 2017, được các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trên địa bàn thống nhất cao. Từ đây, Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, giai đoạn 2019-2025” chính thức được triển khai thực hiện. Để có kinh phí thực hiện đề án, BTL Quân khu 7 chủ trương “Vận động địa phương phía sau và các doanh nghiệp ủng hộ địa phương phía trước”, được lãnh đạo các Tỉnh (Thành) ủy đồng thuận cao.
Đề án xác định: Xây dựng 34 điểm dân cư với 170 căn nhà liền kề các chốt dân quân biên giới. Các điểm dân cư được xây dựng cách chốt dân quân từ 200m đến 1,5km, có đường giao thông liên kết với khu dân cư hiện hữu và nối với đường tuần tra biên giới, được bê tông hóa theo tiêu chuẩn nông thôn mới; kết nối với hệ thống điện lưới quốc gia, có hệ thống nước sinh hoạt hợp vệ sinh; có sóng phát thanh, truyền hình, thông tin di động và các công trình phúc lợi xã hội (nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, bưu điện...) của khu dân cư hiện hữu, liền kề. Đối tượng thụ hưởng là những hộ dân tình nguyện, có khả năng, điều kiện bảo đảm cuộc sống và định cư bền vững; ưu tiên các đồng chí dân quân đang công tác tại các chốt dân quân biên giới, dân quân thường trực, quân nhân dự bị, gia đình quân nhân, công an...
Điểm dân cư được địa phương quy hoạch, bố trí khu chăn nuôi gia súc, khu xử lý rác thải, nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường. Mỗi hộ gia đình được chính quyền cấp đất sản xuất nông nghiệp (từ 360m2 đến 1.000m2) hoặc giao khoán quản lý, bảo vệ đất rừng, đất trồng cây công nghiệp, dạy nghề thủ công truyền thống, làm công nhân trong các khu công nghiệp, nhà máy chế biến... để bảo đảm ổn định cuộc sống lâu dài. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 54 tỷ đồng, trong đó BTL Quân khu 7 vận động các doanh nghiệp ủng hộ gần 31 tỷ đồng, cấp ủy, chính quyền các tỉnh, huyện biên giới bảo đảm kinh phí hơn 23 tỷ đồng. Bên cạnh việc được hỗ trợ phát triển sản xuất, về lâu dài, các hộ dân trong diện thụ hưởng còn được định hướng đào tạo nghề, giải quyết việc làm để phát triển đời sống ổn định, bền vững, tạo tiền đề mở rộng mô hình.
Sau gần 2 năm thực hiện, đến nay, đề án đã hoàn thành giai đoạn 1 với 7 điểm/35 căn nhà và đang triển khai thực hiện giai đoạn 2 gồm 27 điểm/135 căn nhà. UBND tỉnh Bình Phước, BTL TP Hồ Chí Minh và UBND các huyện biên giới đã và đang hỗ trợ kinh phí thực hiện giai đoạn 3, xây dựng tăng dày 11 điểm/65 căn nhà. Hiện người dân trong các điểm dân cư có cuộc sống ổn định. Các điểm dân cư ngày càng phát triển. BTL Quân khu 7 quyết định hỗ trợ mỗi điểm dân cư một con bò giống sinh sản trị giá 20 triệu đồng; cấp ủy, chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ thêm, phấn đấu mỗi hộ dân có một con bò hoặc 4-6 con dê giống.
Từ hướng đi và hiệu quả bước đầu, Quân khu 7 tiếp tục khảo sát, dự kiến xây dựng 12 điểm dân cư liền kề đồn, trạm, chốt biên phòng với kinh phí dự kiến hơn 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương “Gắn kết thân thiện, giúp đỡ đồng bào dân tộc, tôn giáo”, BTL Quân khu 7 đã hỗ trợ xây dựng 11 công trình sinh hoạt văn hóa, thể thao trong các cơ sở tôn giáo với kinh phí hơn 5 tỷ đồng; hỗ trợ xây 380 “Nhà tình nghĩa quân-dân” tặng đồng bào dân tộc, tôn giáo và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Riêng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 778 tự vận động, xây 124 căn nhà tặng đồng bào dân tộc S’Tiêng, tạo nên một Tiểu khu 119 tại thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
Đưa dân ra định cư trên tuyến biên giới là chủ trương mang tính chiến lược, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu 7 sẽ tiếp tục triển khai thực hiện theo hướng thực tâm, thực chất, vững chắc với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, đột phá; góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo thế vững phát triển KT-XH gắn với củng cố QPAN.