Thời tiết vốn đỏng đảnh, thất thường, thế nên tháng 3 dẫu đang là tiết trời xuân mà vẫn có những ngày nóng nực. Bên chiếc máy bay An-2 phục vụ huấn luyện mặt đất, cái nóng như tăng gấp bội. Mồ hôi lăn thành từng dòng trên khuôn mặt của những người lính dù khi họ đang tập trung cao độ cho bài tập ra cửa máy bay…
Lĩnh trọng trách trong “giờ vàng ban đầu”
Nếu chỉ nhìn vào cơ ngơi “hoành tráng”, với những dãy nhà cao tầng được thiết kế hiện đại và khuôn viên xanh, sạch, đẹp, có lẽ không ít người sẽ nghĩ rằng, công việc của cán bộ, nhân viên Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đường không, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không- Không quân (PK-KQ) chắc cũng luôn sạch sẽ và nhàn nhã. Nhưng sự thực lại không phải vậy!
Cùng Đại tá Nguyễn Ngọc Vy, Chỉ huy trưởng Trung tâm đi kiểm tra công tác huấn luyện của cán bộ, nhân viên dù tại khu luyện tập thực hành, chúng tôi mới thấy “hoa mắt” bởi các trang thiết bị phục vụ huấn luyện. Đây là bậc xây được giật nhiều cấp, phía dưới là hố cát, để từ trên bậc này, lính dù nhảy xuống luyện tập động tác tiếp đất. Kia là chiếc trực thăng Mi-8 đã tháo cánh, và phía trên nó là chiếc cần cẩu khổng lồ. Khi cần cẩu đưa trực thăng lên cao, từ trong chiếc trực thăng ấy, lính dù sẽ luyện tập đu dây đổ bộ xuống mặt đất. Cách đó không xa là bể bơi đa năng- nơi huấn luyện bơi, lặn TKCN; tập thoát hiểm từ máy bay và luyện tập kỹ năng sinh tồn trên biển. Xa hơn nữa là một vách núi nhân tạo dựng đứng, giúp lính dù luyện tập, tiếp cận các điểm xảy ra tình huống trên núi cao…
Hướng dẫn cách ra máy bay trong quá nhảy dù, cho cán bộ, nhân viên dù. |
Bên cửa của chiếc An-2 đã tháo cánh, Thiếu tá Cao Sĩ Viên, Đội trưởng Đội TKCN đường không 2 (trực thuộc Trung tâm) đang “nắn nót” điều chỉnh từng động tác của nhân viên dù luyện tập động tác ra cửa máy bay. Đầu nghiêng như thế nào? Vai thu ra sao? Hướng ra tối ưu nhất? Sau khi thoát ra khỏi cửa, động tác tay, chân và hình thể như thế nào?... Tất cả đều được Thiếu tá Viên giới thiệu tỉ mỉ, chi tiết, và sau mỗi lần thực hiện động tác ra cửa máy bay, các nhân viên đều được rút kinh nghiệm kịp thời.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện Trung tâm Quốc gia huấn luyện TKCN đường không đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phản ánh đúng tên gọi của Trung tâm, đó là đào tạo giáo viên huấn luyện dù TKCN, nhân viên TKCN đường không; huấn luyện định kỳ để duy trì khả năng nhảy dù và sử dụng các trang thiết bị TKCN trên biển, trên địa hình rừng núi, cứu nạn hành khách, phi công, tổ bay khi máy bay và các phương tiện bay lâm nạn trên lãnh thổ Việt Nam; sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ TKCN đường không, khắc phục thảm họa thiên tai…
Như vậy, nhiệm vụ của Trung tâm không chỉ “gói gọn” ở việc TKCN khi có tai nạn bay, mà còn có cả nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trong các vụ thiên tai, thảm họa như sập đổ công trình, cháy nổ, lụt bão... Khi các phương tiện khác không thể tiếp cận được hiện trường, lính dù sẽ được máy bay đưa đến và thực hành đổ bộ đường không, tìm kiếm, sơ cứu nạn nhân; khống chế cháy, nổ; cung cấp thông tin ban đầu về trung tâm chỉ huy…Nói cách khác, lính dù TKCN sẽ là những người tận dụng tối đa và khai thác hiệu quả “giờ vàng ban đầu” khi các tình huống xảy ra.
“Do tính chất nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nguy hiểm và liên quan đến tính mạng con người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, nên chúng tôi đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện”, Đại tá Nguyễn Ngọc Vy chia sẻ.
Huấn luyện đúng quy trình, coi trọng xử lý bất trắc
Trong năm 2017, Trung tâm Quốc gia huấn luyện TKCN đường không đã tổ chức thành công 4.000 lần chuyến nhảy dù cho các đối tượng, và trong kế hoạch năm 2018 này là 3.800 lần chuyến. Để có thể thực hành nhảy dù hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, đặc biệt là đảm bảo an toàn thì hằng năm trước mỗi kỳ huấn luyện, Trung tâm đều tổ chức các lớp tập huấn, trong đó coi trọng nội dung rút kinh nghiệm những hạn chế, nhất là những yếu tố có thể gây mất an toàn trong mùa huấn luyện trước đó, đồng thời đưa ra biện pháp khắc phục hiệu quả. Cùng với đó, đơn vị dự báo sát tình hình trong năm, như xu hướng diễn biến của khí hậu, thời tiết; những tác động của quá trình đô thị hóa đối với các bãi thả dù; thực lực của đơn vị…từ đó xây dựng kế hoạch huấn luyện hợp lý, khoa học, sát với tình hình thực tế.
Từ khu luyện tập thực hành trở về khu nhà chỉ huy của Trung tâm, chúng tôi ngang qua khu vực có một nhóm sĩ quan, nhân viên đang luyện tập gấp dù. Những chiếc dù với dù mồi, vòm dù, dây dù được trải dài trên tấm vải dọc, sau quá trình “2 người gấp, một người giám sát, kiểm tra”, chiếc dù dần nằm gọn lỏn trong “áo dù” có hình dạng như chiếc “ba lô”- vật sẽ theo người lính dù lên máy bay, rồi cùng họ vi vút trên bầu trời. Lý giải về sự “nắn nót” của các sĩ quan, nhân viên dù khi xếp từng lớp vòm dù, rồi nhẹ nhàng, thận trọng kiểm tra dây, tỉ mỉ luồn dây, vào dù…Trung tá Nguyễn Thành Minh, Trưởng Khoa Giáo viên của Trung tâm chia sẻ: Nếu gấp dù không đúng quy cách sẽ rất dễ dẫn đến tình huống bất trắc như dù không mở, mở không hết hoặc mở chậm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an toàn của người nhảy dù. Bởi thế, tất cả các bước, các khâu trong huấn luyện gấp dù đều phải thực hiện đúng quy trình, theo Điều lệ Dù hàng không. Trong huấn luyện nhảy dù, mỗi sĩ quan, nhân viên, học viên đều phải ôn luyện để nắm chắc lý thuyết liên quan đến loại dù mình nhảy; huấn luyện thuần thục ở mặt đất các động tác như ra máy bay- lái dù trên không- tiếp đất, làm cơ sở để thực hành các động tác đó trong quá trình nhảy dù, bảo đảm an toàn, đúng đích. Đó mới chỉ là chuyện nhảy dù, còn để có thể TKCN thành công, đòi hỏi lính dù phải được trang bị thêm nhiều kỹ năng khác như tìm kiếm, sơ cứu, vận chuyển người bị nạn; chống cháy nổ, cứu sập; thu nhận và truyền thông tin từ hiện trường về trung tâm chỉ huy…
Huấn luyện gấp dù ở Trung tâm Quốc gia huấn luyện TKCN đường không. |
Một trong những nội dung được đặc biệt coi trọng trong quá trình huấn luyện và phương pháp, kỹ năng xử lý bất trắc, nhằm “hóa giải” hiệu quả những tình huống ngoài ý muốn phát sinh trong quá trình thực hành nhảy dù, như dù chính không mở hoặc mở không hết, rối dây dù, nhảy dù chạm nhau, không tỉnh táo trong quá trình nhảy dù, nhảy dù không đúng vị trí đã định…
Cũng nhờ luyện tập nghiêm túc các tình huống xử lý bất trắc mà nhiều cán bộ, nhân viên dù của Trung tâm đã xử lý thành công nhiều sự cố, mà Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên dù TKCN Nguyễn Tiến Trung là một ví dụ. Tháng 7-2013, trong một lần nhảy ở sân bay Hòa Lạc bằng dù UT-15, Nguyễn Tiến Trung mở dù chính ở độ cao 800m, dù không ra. Vận dụng ngay kiến thức xử lý bất trắc đã được trang bị, Trung ngắt dù chính, mở dù phụ, tiếp đất an toàn. Anh chia sẻ: “Kinh nghiệm bản thân tôi rút ra trong lần xử lý bất trắc đó là phải bình tĩnh, xử lý dứt khoát, thao tác đúng kỹ thuật”.
Phía sân bay Gia Lâm có tiếng động cơ máy bay ầm ì dội lại. Không lâu sau, một chiếc máy bay vận tải An-26 vút lên bầu trời. Một lực lượng của Trung tâm mang tên “Tổ tìm kiếm cứu nạn đường không” chuyển từ trực cấp 3 lên cấp 2. Tham gia Tổ TKCN đường không có các thành phần gồm sĩ quan dù, sĩ quan chính trị, nhân viên dù, bác sĩ hàng y, chiến sĩ cảnh vệ. Thiếu tá Cao Ánh Dương, Tổ trưởng Tổ TKCN của Trung tâm, chia sẻ với chúng tôi: “Vì tính chất đặc thù của nhiệm vụ TKCN nên thành phần Đội TKCN đường không được lựa chọn với tiêu chuẩn rất khắt khe: Đội trưởng Đội TKCN phải là giáo viên dù. Nhân viên dù phải có trình độ nhảy dù tốt, sức khỏe tốt. Một điều đặc biệt và cũng rất…lý thú, đó là sĩ quan, nhân viên dù đều được trang bị kiến thức và thực hành hiệu quả kỹ năng sơ cứu ban đầu cho nạn nhân. Khi có tình huống, cấp trên sẽ lệnh cho Tổ TKCN đường không vào trực cấp 1, và chỉ trong 10 phút, chúng tôi sẽ lên đường thực hiện nhiệm vụ được ngay”.
Mặc dù đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, song Trung tâm Quốc gia huấn luyện TKCN đường không luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Năm 1999, các Đội TKCN của Trung tâm đã tham gia thả hàng hóa và nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ Thừa Thiên-Huế, đến năm 2014, nhiệm vụ này lại được thực hiện hiệu quả tại vùng lũ Thạch Thành-Thanh Hóa. Vào tháng 8-2016, trong Hội thao phòng cháy chữa cháy, TKCN của Quân chủng PK-KQ, lực lượng TKCN đường không của Trung tâm đã đổ bộ bằng dù “gọn gàng” xuống một sân vận động trên địa bàn thị xã Sơn Tây, tiến hành tìm kiếm, sơ cứu người bị nạn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Gần đây nhất, năm 2017, các đội TKCN đường không của đơn vị lại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong diễn tập cứu hộ cứu nạn đường không, được Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ tặng giấy khen.
Ghi chép của Phạm Hoàng Hà