Cách đây hơn 1 năm, qua Nhà xuất bản Văn hóa – Nghệ thuật Thành phố HCM, tạo cơ duyên để cho Anh hùng LLVTND, phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy gặp nhà văn Trúc Phương, tạo thành duyên “Anh hùng – Nghệ sĩ” giữa 2 người. Để rồi sau một năm làm việc cật lực của người Anh hùng đã bước qua tuổi 82 và một người bị bệnh nan y thường xuyên phải vào bệnh viện, và rồi truyện ký “Người Anh hùng chân đất” ra đời.
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy thấp thỏm trong lòng lo tác giả chưa kịp hoàn thành tác phẩm thì đã phải xa ông, hoặc ngược lại ông không thể chờ được do tuổi cao, sợ thất hứa với bạn đọc.
“Người Anh hùng chân đất” được viết theo thể loại truyện ký. Tập sách được viết chủ yếu dựa vào lời kể của Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và các đồng đội cùng chiến đấu của ông, có tham khảo tư liệu từ một số sách viết về lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam.
Nhân vật chính trong truyện ký “Người Anh hùng chân đất” là Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy. Ông sinh ngày 2/2/1936 tại ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp).
Anh hùng chân đất Nguyễn Văn Bảy
Năm 1960, ông được chọn đi khám tuyển phi công. Vượt qua những vòng khám sức khỏe căng thẳng, ông chính thức được chọn đi học lái máy bay. Trình độ văn hóa lớp 3 khi trốn nhà theo bộ đội, một thời gian học bình dân học vụ ở đơn vị bộ binh, ông được điều về Trường Văn hóa Lạng Sơn để bổ túc kiến thức toán, lý theo chế độ riêng biệt cho người có học vấn thấp.
Năm 1964, kết thúc huấn luyện bay, các phi công được lệnh chuyển sân về nước tiếp tục các bài bay huấn luyện và sẵn sàng cho trận đánh.
Trong trận gặp địch đầu tiên, ông Bảy đã bắn được một máy bay địch, ông đưa vào vòng ngắm và chờ đến cự ly thích hợp thì nổ súng... bỗng nhiên một quả tên lửa từ máy bay Mỹ phóng ra đã nổ gần máy bay của ông, mặt đất lệnh cho ông nhảy dù. Thấy máy bay vẫn còn điều khiển được, ông Bảy xin phép không nhảy dù và điều khiển máy bay về sân bay hạ cánh. Các chuyên gia Liên Xô và thợ máy của ta trầm trồ thán phục và không thể tưởng tượng nổi khi nhìn thấy trên chiếc máy bay MiG17 của phi công Nguyễn Văn Bảy có 82 vết thủng do mảnh đạn tên lửa của Mỹ. Một kỳ tích trong không chiến trên thế giới.
Tháng 1/1967, Thượng úy phi công Nguyễn Văn Bảy được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, cũng năm 1967 ông được bầu vào Quốc hội khóa 3, nhiều lần được gặp Bác Hồ.
Sau khi được tuyên dương Anh hùng LLVTND, phi công Nguyễn Văn Bảy còn tham gia nhiều trận đánh khác và bắn rơi thêm 3 máy bay Mỹ nữa.
Để giữ gìn lực lượng nòng cốt phù hợp với sự phát triển của Không quân, sau khi Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy bắn rơi 7 máy bay, Bác Hồ chỉ thị không để phi công Nguyễn Văn Bảy tham gia trực tiếp chiến đấu, chỉ làm công tác chỉ huy và nhiệm vụ bay kèm các phi công trẻ trong công tác huấn luyện bay.
Sau này nhắc đến chuyện này, phi công Nguyễn Văn Bảy nói: “Nếu Bác cho trực tiếp đánh nữa thì có thể tôi sẽ bắn rơi thêm 5, 7 chiếc nữa, nhưng cũng có thể đã hy sinh”.
Chuyến bay mà Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy nhớ suốt đời, chuyến bay mà các phi công phải nén đau thương, gạt nước mắt để bước lên máy bay, đấy là chuyến bay ngang Quảng trường Ba Đình để chào vĩnh biệt Bác kính yêu.
Trong cuộc chiến đấu trên không, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy đã xuất kích 94 lần, nổ súng 13 lần, bắn rơi 7 máy bay Mỹ mà không nhảy dù một lần nào, được Bác Hồ tặng 7 Huy hiệu của Người.
Phi công Nguyễn Văn Bảy được ghi nhận là phi công duy nhất dùng MiG17 bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất trên thế giới (7 chiếc) được nhiều phi công kỳ cựu của Mỹ phải kính nể, thán phục. Và những lần sang thăm Việt Nam đều muốn đến thăm phi công Nguyễn Văn Bảy.
Hiện nay ông về nghỉ hưu và sống tại Lai Vung, Đồng Tháp trên mảnh đất quê nhà. Nhìn ông lão với chòm râu bạc, hàng ngày chăm sóc vườn cây, ao cá, không ai nghĩ rằng đấy là phi công huyền thoại, phi công của Không quân nhân dân Việt Nam Anh hùng.