Thành phố Hồ Chí Minh có một con đường và một trường Tiểu học khang trang mang tên Hồ Văn Huê tại Phường 9, quận Phú Nhuận, nhưng ít ai biết đến vị Đại tá BS Quân y này, gần như suốt cuộc đời vì dân, vì nước phục vụ trọn vẹn cho LLVT miền Đông Nam Bộ.
Bác sĩ Hồ Văn Huê (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng chí chỉ huy Phòng Quân y miền
tại Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh (Dầu Tiếng ngày 29-4-1975). Ảnh: Tư liệu
Là một học trò, lại cùng là một chiến hữu cộng tác với ông trong những năm kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Đông Nam Bộ (B2). Xin có đôi dòng về cuộc đời sự nghiệp và những đức tính đáng kính trọng, tôn vinh, học tập về ông, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng – Thống nhất Tổ quốc (30/4/2015).
Trong những năm dài kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cán bộ chiến sĩ và nhân dân trong chiến khu miền Đông Nam Bộ không ai mà không biết đến bác sĩ Hồ Văn Huê kính mến. Họ thường gọi bác sĩ bằng cái tên kính trọng thân quen là anh “Chín Huê”.
Anh Chín Huê sinh năm 1917, quê xã Phước Tuy, Cần Đước, Long An trong một gia đình cha mẹ làm nghề thuốc bắc, mồ côi cha mẹ lúc anh mới 10 tuổi, được anh em trong nhà đùm bọc giúp anh ăn học, anh học rất siêng năng, có ý chí quyết tâm để trở thành nghề thầy thuốc giúp đỡ bà con nghèo như Cha mẹ anh lúc sinh thời. Năm 1939, đậu vào trường Đại học Y Khoa Hà Nội, anh là một trong đội ngũ sinh viên- học sinh tham gia tích cực phong trào học sinh yêu nước, anh được các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu… Tuyên truyền giác ngộ cách mạng, cuối năm 1944 tốt nghiệp bác sĩ Y khoa, sau đó trở về lại Sài Gòn nhưng không phải để mở phòng mạch tư mà đi nhận công việc đầu tiên tại Bệnh viện Đồn điền Cao su Quảng Lợi- Thủ Dầu Một để chữa bệnh cho công nhân cao su.
Cách mạng tháng Tám thành công, anh đứng ra tổ chức cùng lực lượng công nhân cao su Quảng Lợi cướp chính quyền, thành lập Ủy ban Hành chính Quảng Lợi và anh được bầu làm Chủ tịch. Sau ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945) anh là một trí thức vào chiến khu phục vụ LLVT miền Đông Nam Bộ sớm nhất, được các anh Vũ Đức, Trung tướng Nguyễn Bình giao nhiệm vụ Trưởng ban Y tế Quân y chiến khu Thuận An- Biên Hòa (sau này là chiến khu Đ) và từ đấy anh cùng LLVT lăn lộn khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ đạo đảm bảo quân y trong kháng chiến chống Pháp với các chức vụ: Trưởng Phòng Quân y Quân khu 7, Phòng Quân y phân liên khu miền Đông; Trưởng Phòng Quân y Nam Bộ.
Năm 1954, tập kết ra Bắc, anh nhận nhiệm vụ Phó cục trưởng Cục Quân y Tổng Cục Hậu cần phụ trách công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ chuẩn bị cho chiến trường B. Với sự nhạy cảm “Nhìn xa thấy rộng” của lãnh đạo Cục Quân y, anh đã nỗ lực góp công cho Ngành quân y đào tạo cấp tốc hàng trăm cán bộ cấp cao y dược đáp ứng cho nhiệm vụ chiến trường B ngay trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ.
Đầu năm 1964, anh Chín Huê được cấp trên chỉ định về lại chiến trường miền Đông Nam Bộ (B2) bằng “đường Hồ Chí Minh trên biển với tàu không số” và đầu tháng 4 năm 1964 anh có mặt tại chiến trường nhận nhiệm vụ Phó Cục trưởng Cục Hậu cần kiêm trưởng Phòng Quân y Miền (B2). Trên cương vị mới ông đã chỉ đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm quân y cho các chiến dịch lớn đánh Mỹ ở chiến trường miền Đông Nam Bộ như: Gian sơn city (1967), Tổng công kích Mậu Thân (1968), Nguyễn Huệ (1972) và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, căn bệnh hiểm nghèo do sốt rét nặng, do chất độc da cam mắc phải trong những năm kháng chiến ở chiến trường miền Đông Nam Bộ ngày một nặng thêm, tuy đã được sự quan tâm, tập trung mọi cố gắng của lãnh đạo các cấp để cứu chữa nhưng không giảm, anh Chín Huê- Bác sĩ Hồ Văn Huê đã qua đời vào ngày 7/4/1976 tại Bệnh viện 175 lúc 59 tuổi, anh đã vĩnh biệt chúng ta cách đây 39 năm (1976-2015) nhưng anh đã để lại cho đội ngũ Quân dân y và những người thầy thuốc Việt Nam với những đức tính cao đẹp mà hầu hết cựu chiến binh quân y miền Đông Nam Bộ (B2) chúng tôi đều thống nhất kính tặng cho anh có 4 đức tính anh hùng của một vị bác sĩ Quân y suốt đời gắn bó với chiến trường và xin được tóm gọn 4 đức tính của bác sĩ Hồ Văn Huê đó là: cách mạng triệt để, hết lòng phục vụ chiến sĩ và thương bệnh binh; mẫu mực về y đức, đoàn kết với tình thương chân thật.
Với công lao cống hiến của bác sĩ Hồ Văn Huê, anh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 13 huân chương các loại và sau khi qua đời được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng tặng Bằng Liệt sĩ, Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ – bác sĩ Hồ Văn Huê. Phần mộ của anh được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Các thế hệ Quân y chúng tôi xin mãi mãi theo gương và học tập ở anh như lời Bác Hồ đã dạy “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như là mẹ hiền”.
Đại tá TS.TTND Nguyễn Sanh Dân, nguyên Chủ nhiệm Quân y – QK7