Thời gian gần đây, giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dư luận xã hội lại ghi nhận, hoan nghênh trước chuyển biến tích cực trong việc tổ chức họp hành của các cấp, các ngành. Ấy là việc giảm bớt số lượng cuộc họp, hạn chế các thủ tục hành chính rườm rà và khâu trang trí vốn ít nhiều gây tốn kém.
Đặc biệt, việc tổ chức họp online, hội nghị trực tuyến đạt chất lượng tốt, đã giúp kiểm nghiệm, khẳng định tính đúng đắn trong thực hiện chủ trương cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành.
Cái được khi tổ chức hội nghị online, hội họp trực tuyến còn thể hiện ở câu chuyện “có họp mà không có hội”. Nghĩa là, những cuộc họp vẫn diễn ra bảo đảm mục đích, yêu cầu, đạt hiệu quả, nhưng tránh được phần “hội”. Các đại biểu không phải cơ động, đi lại xa xôi, gây tốn kém tiền của, thời gian. Ban tổ chức và cơ quan chủ trì cũng giảm tải gánh nặng kinh phí khi không phải bảo đảm các mặt hậu cần, liên hoan sau hội nghị. Cũng nhờ đó mà Chính phủ và cơ quan nhà nước tiết kiệm được một khoản ngân sách không nhỏ để chi cho các hoạt động khác. Chính điều này cũng minh chứng cho việc, chúng ta đã và đang quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề hội họp.
Việc tổ chức họp online, hội nghị trực tuyến đạt chất lượng tốt, đã giúp kiểm nghiệm, khẳng định tính đúng đắn trong thực hiện chủ trương cải cách hành chính. Ảnh minh họa/luatvietnam.vn
Trong bài viết “Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội” đăng trên Báo Nhân Dân, số 2563, ngày 27-3-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ rõ: “Phải kiên quyết chống thói hội họp lu bù, mất thì giờ, hại sức khỏe mà không kết quả thiết thực”. Trên thực tế, Người luôn chú trọng rèn luyện tác phong lãnh đạo, chỉ đạo sao cho đem lại hiệu quả cao nhất; hạn chế tối đa việc hội họp, chỉ họp khi cần thiết, hạn chế họp dài, tránh tốn kém về thời gian, công sức của cán bộ, nhân dân. Ngày 3-9-1945, khi chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Người phá bỏ những nghi thức thông thường và đi ngay vào nội dung cuộc họp, nêu rõ sáu công việc cấp bách phải làm. Tất cả mọi vấn đề được Bác nêu ra chỉ trong 30 phút với hơn 700 chữ. Trong thời gian ở Việt Bắc (1946-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ chủ tọa 59 phiên họp Hội đồng Chính phủ để chỉ đạo Chính phủ hiện thực hóa đường lối kháng chiến kiến quốc. Từ năm 1958-1960 là giai đoạn bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, Hồ Chí Minh chủ trì 115 cuộc họp các loại (bình quân họp hơn 3 lần/tháng).
Từ câu chuyện của Bác và từ thực trạng tổ chức hội họp trên thực tế thời gian qua, giúp chúng ta lý giải vì sao dư luận lại hết sức bức xúc, mạnh mẽ lên án, đàm tiếu, gắn “họp” với “hành”-cho rằng đi họp chẳng khác gì việc bị hành; gắn “hội” với “họp” vì phần “hội” vui hơn phần “họp” nên phải “nhẹ phần phát biểu, nặng phần liên hoan”; lại có chuyện cán bộ từ chối tiếp dân, lười về cơ sở cũng chỉ vì “bận họp”,... Họp nhiều trở thành vấn nạn, thế nhưng, công bằng mà nói, việc tiết giảm hội họp không thể nóng vội mà cần có những bước đi phù hợp. Trong điều kiện hiện nay, phải nhất thiết duy trì chặt chẽ, hiệu quả và nâng cao chất lượng các cuộc họp trực tiếp cần thiết, nhất là việc giao ban, điều hành công việc thường xuyên. Đồng thời, cần khéo kết hợp giữa tổ chức hội họp trực tiếp với họp trực tuyến một cách phù hợp. Người chủ trì các cấp cần mạnh dạn ủng hộ tư duy mới, cách làm mới theo hướng tổ chức hội họp trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng không vì thế mà cổ xúy cho lối nghĩ sính ngoại, đơn thuần vận hành các cuộc họp nặng tính công thức, máy móc, bỏ qua tình đồng chí, đồng nghiệp, thiếu sự gắn bó, sẻ chia trong một hoạt động đặc thù.
Tất nhiên, không thể phủ định sạch trơn những giá trị của phương thức tổ chức hội họp truyền thống, cũng không thể chậm trễ trong đổi mới phương thức tổ chức hội họp theo hướng hiện đại. Nhưng dù nhấn mạnh, ưu tiên xu thế nào đi nữa, thì cũng tất yếu phải nhất quán chủ trương cắt giảm số lượng, dung lượng và tần suất các cuộc họp, đồng thời nâng cao chất lượng thực chất, tính hiệu quả, sát đúng của nó. Đây vừa là mục tiêu của tiến trình cải cách hành chính, vừa là giải pháp hợp lòng dân, nhận sự đồng thuận cao ở tất cả các cấp. Bởi thế, hơn bao giờ hết, cả hệ thống chính trị phải thật sự đoàn kết, quyết tâm cao, quyết liệt "gọt tỉa" những mảng thừa thãi, rườm rà, tốn của, mất thời gian... trong tổ chức hội họp, để hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận hành bộ máy ngày càng trơn tru, hiệu lực, hiệu quả.
NGUYỄN TẤN TUÂN
Nguồn: qdnd.vn