Sinh năm 1963 ở xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, Lê Văn Mỹ tham gia vào lực lượng dân quân thường trực xã và sau đó anh nhận công tác tại Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh. Kỷ niệm về việc tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ ở Campuchia với anh không sao kể hết. Nhớ nhất là đội đã tìm kiếm và quy tập 58 mộ bộ đội Việt Nam chôn tập trung hy sinh những năm 1982 - 1984 của Trung đoàn 429, Sư đoàn 302, Quân khu 7. “Mỗi lần tìm thấy hài cốt, là mỗi lần chúng tôi vơi đi nỗi khắc khoải, day dứt trong lòng. Đã có hàng nghìn lần chúng tôi tìm thấy hài cốt liệt sĩ, nhưng lần nào tâm trạng vẫn vẹn nguyên như lần tìm thấy bộ hài cốt đầu tiên” Đại tá Lê Văn Mỹ tâm sự.
Đại tá Lê Văn Mỹ làm Chính trị viên Đội K71 từ năm 2001 đến nay, với kinh nghiệm trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt và đối ngoại với bạn, anh được Bộ CHQS tỉnh, Ban chỉ đạo 515 tỉnh Tây Ninh đặt nhiều kỳ vọng. Chính điều này làm cho anh luôn trăn trở khi địa bàn đơn vị hoạt động quá rộng bao gồm 6 tỉnh nước bạn Campuchia. Địa bàn tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trải dài từ QK2, QK4 đến QK5, Vương quốc Campuchia.
Khi được hỏi kinh nghiệm trong quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, anh Mỹ cho rằng, người chỉ huy phải biết quan sát, am hiểu địa hình, quy luật bố trí quân trong chiến tranh. Ví dụ như trạm phẫu thuật hay bệnh xá đặt dưới nguồn nước, nơi chôn cất liệt sĩ phải cách xa nơi đóng quân 800m trở lên…quan trọng nhất là phải tin vào nhân dân, làm tốt công tác tuyên truyền, dân vận tạo mối thiện cảm và đoàn kết; có như vậy mới nhận được sự giúp đỡ hiệu quả từ phía bạn. Trước đó phải chuẩn bị chu đáo nhất cho việc mỗi chuyến xuất quân bằng cách tìm các nguồn tin tức từ trong nước; huấn luyện, truyền thụ kinh nghiệm đến từng cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong khi làm nhiệm vụ.
Trung tá Đỗ Văn Minh – Trợ lý Chính trị Đội K71 chia sẻ: Đại tá Lê Văn Mỹ là một cán bộ rất chịu thương chịu khó. Khi làm việc anh ấy luôn lăn xả cùng với anh em, ít khi ở nhà làm việc chỉ huy mà trực tiếp xuống tận nơi tìm kiếm cùng căng bạt, ngủ võng với cán bộ, chiến sĩ. Anh ấy nói được tiếng Campuchia thông thạo, nên luôn chủ động tìm nguồn tin, có khi nhân chứng đã đi lấy vợ nơi khác cách gần 100km, anh vẫn đi tìm dò hỏi cho tỏ tường.
Với những đóng góp của mình, Đại tá Lê Văn Mỹ đã góp phần vào thành tích chung của toàn đội, đã đưa hàng nghìn liệt sĩ về đất mẹ và thắt chặt quan hệ giữa 2 dân tộc, 2 đất nước Việt Nam - Campuchia. Nhiều năm Đội K71 được Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh QK7, UBND tỉnh và Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh khen thưởng. Đội 2 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì và hạng Ba. Căn cứ các tiêu chí về thi đua, khen thưởng, Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh đã làm báo cáo thành tích đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho đội. Riêng, Đại tá Lê Văn Mỹ 2 lần được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Hai, hạng Ba, Chính phủ Campuchia tặng Huân chương hữu nghị, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng kỷ niệm chương, Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen tôn vinh trong công tác quy tập hài cốt liệt sĩ, nhiều năm liên tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được các cấp tặng nhiều bằng khen và giấy khen…