Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”, được sự hưởng ứng sâu rộng của cộng đồng và toàn xã hội.
Biểu hiện sinh động là việc hằng năm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều phát động “Tháng cao điểm vì người nghèo” nhằm kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cá nhân… ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy mọi nguồn lực giúp đỡ thiết thực người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cộng đồng nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, sự cố môi trường biển... Tháng cao điểm vì người nghèo năm nay (từ ngày 17-10 đến 18-11) càng có ý nghĩa thiết thực khi mà tạo ra nguồn lực trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ người dân nhiều tỉnh phía Bắc và Bắc miền Trung bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, đang phải gồng mình khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, thực tế những năm qua, khi ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, không ít tổ chức, cá nhân còn băn khoăn, không biết sự giúp đỡ, ủng hộ của mình có đến được với người nghèo, có thiết thực giúp họ thoát nghèo? Đó cũng là “cái khó” của cán bộ cơ sở khi đi vận động ủng hộ người nghèo. Người dân cũng phản ảnh việc thiếu thông tin về quy trình, cách thức quyên góp, ủng hộ, sử dụng nguồn lực ủng hộ sao cho hiệu quả nhất, từ đó chưa thật sự tin tưởng, chưa mặn mà ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo". Một số tổ chức, cá nhân hảo tâm đã chọn việc ủng hộ, giúp đỡ người nghèo trực tiếp, tự phát.
Thực tế trên đòi hỏi cần có một giải pháp tổng thể, căn cơ, huy động đóng góp và sử dụng hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”, giúp người nghèo thêm tự tin, nỗ lực vươn lên với phương châm “giúp cần câu chứ không cho con cá”; chú trọng khảo sát, nắm tình hình, nhu cầu, đối thoại trực tiếp với người nghèo để xây dựng phương án giúp đỡ hiệu quả. Các cấp chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc… cần tăng cường giám sát quá trình hỗ trợ sản xuất; đồng hành, giúp người nghèo chủ động vươn lên.
Cần đẩy mạnh nghiên cứu, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình giúp dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, tránh tư duy tiểu nông, manh mún. Giúp từng hộ thoát nghèo cũng cần thiết, nhưng nên chăng cần có chính sách tăng cường thu hút, khuyến khích người nghèo vươn lên phát triển kinh tế; xây dựng các mô hình hợp tác xã, tăng cường liên kết hộ nghèo với doanh nghiệp...
Chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau rất cần những hoạt động, mô hình có chiều sâu, “dài hơi”, như: Đổi mới phương thức hướng dẫn cách thức làm ăn; đẩy mạnh khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác hiệu quả thế mạnh của từng địa phương; phát triển các mô hình liên kết cung cấp dịch vụ với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... Đó cũng là cách mà cả nước và toàn xã hội chung tay vì người nghèo, giúp giảm nghèo, thoát nghèo nhanh hơn, bền vững hơn.
Nguồn: qdnd.vn