Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, các bộ, ngành trung ương và các tỉnh liên quan cần tìm các giải pháp đưa vùng TP.HCM phát triển tương xứng tiềm năng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng của đất nước nói chung. Đồng thời có những điều chỉnh để khai thác hết tiềm năng lợi thế, kết nối hạ tầng, phân công hợp tác giữa các địa phương trong vùng.
Quang cảnh hội nghị
Phân thành 4 vùng để phát triển
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tại TP.HCM cũng có Hội đồng vùng do TP.HCM làm chủ tịch và theo cơ chế luân phiên. “Việc thành lập vùng, điều quan trọng là cơ chế vận hành, phối hợp. Các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải mang tính tổng thể vùng, nếu không sẽ hạn chế xung lực phát triển trong yêu cầu phối hợp vùng. Các địa phương hiện nay là tiểu vùng mang tính chất hành chính - kinh tế vùng thì đòi hỏi phối hợp tạo nên hiệu lực phát triển hiệu quả”, ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, các bộ, ngành trung ương cần hỗ trợ hành lang pháp lý thực hiện quy hoạch và vận hành vùng, bởi quy hoạch mà không có cơ chế hành lang pháp lý thì rất khó.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng kiến nghị, hiện nay theo kế hoạch sử dụng đất của thành phố còn 3.000ha đất lúa nước, đề nghị điều chỉnh sang các địa phương có lợi thế trồng lúa hơn. Để thành phố làm thì không hiệu quả, vì TP.HCM phù hợp hơn với việc xây dựng trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Viện Quy hoạch miền Nam (Bộ Xây dựng), Vùng TP.HCM là vùng đô thị có vai trò vị thế chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; là vùng đô thị lớn, động lực phát triển kinh tế hàng đầu của quốc gia. Vùng TP.HCM phát triển theo mô hình “Tập trung, đa cực, thích ứng”. Vùng trung tâm và các cực tăng trưởng được kết nối với nhau nhờ hệ thống giao thông công cộng và các trục hành lang tăng trưởng xuyên tâm, hướng tâm và các trục vành đai liên kết vùng.
Trước đó, Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam đã trình bày đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Vùng TP.HCM sẽ phân thành bốn vùng là:
Vùng Trung tâm: Bao gồm trung tâm TP.HCM, huyện Đức Hòa, Cần Giuộc (Long An); Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (tỉnh Bình Dương); TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai). Trong đó TP.HCM là đô thị hạt nhân trung tâm vùng. TP Bình Dương là động lực phát triển phía Bắc, TP Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch là động lực phát triển phía Đông của vùng.
Chiến lược phát triển vùng trung tâm bao gồm: phát triển không gian đô thị theo hướng mô hình nén - thích ứng, hiện đại, bền vững; phát triển trung tâm tri thức, sáng tạo; phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch có hàm lượng giá trị gia tăng cao…
Vùng phát triển phía Đông: Bao gồm đô thị Long Khánh và các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, một phần huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) và toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó TP Vũng Tàu là trung tâm cực phát triển trọng điểm phía Tây Nam của vùng. TP Long Khánh là trung tâm cực phát triển trọng điểm phía Đông của vùng.
Chiến lược phát triển bao gồm: phát triển đô thị Phú Mỹ và Cái Mép -Thị Vải vùng công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp đa ngành, công nghiệp khai thác dầu khí, công nghiệp cảng; phát triển dịch vụ logistics tầm quốc tế gắn với hành lang xuyên Á và đầu mối cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép, Sao Mai - Bến Đình, sân bay quốc tế Long Thành…
Vùng phát triển phía Bắc: Bao gồm các huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và toàn bộ tỉnh Tây Ninh, tỉnh Bình Phước. Trong đó đô thị Chơn Thành là trung tâm cực phát triển trọng điểm phía Bắc của vùng. Trảng Bàng - Gò Dầu (Tây Ninh) là trung tâm cực phát triển trọng điểm phía Tây Bắc của vùng.
Chiến lược phát triển bao gồm: phát triển các khu công nghiệp đa ngành gắn với đô thị, các khu phi thuế quan của khu kinh tế cửa khẩu…
Vùng phát triển phía Tây Nam: Gồm tỉnh Long An (trừ huyện Đức Hòa và Cần Giuộc) và toàn tỉnh Tiền Giang. Trong đó TP Mỹ Tho, TP Tân An là đô thị trung tâm của vùng Tây Nam.
Chiến lược phát triển bao gồm: phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh (trồng lúa, cây ăn quả), đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái.
Đề xuất mô hình cho TPHCM
TPHCM là đô thị hạt nhân - trung tâm tri thức sáng tạo, động lực phát triển kinh tế của toàn vùng, là trung tâm tài chính thương mại tầm khu vực, trung tâm dịch vụ chất lượng cao. Về mô hình phát triển và cấu trúc không gian, TPHCM được phát triển theo mô hình nén - tập trung - đa trung tâm và thích ứng.
Cấu trúc không gian đô thị: Các trục không gian chủ đạo và kết nối vùng bao gồm trục xuyên tâm Đông - Tây Nam, Tây Bắc - Nam. Các trục hướng tâm, các trục vành đai 2, 3, 4. Cấu trúc các vùng phát triển không gian đô thị: vùng trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km; vùng phát triển đô thị phía đông, vùng phát triển đô thị phía Tây Bắc; vùng phát triển đô thị phía Nam và phía Tây - Tây Nam. Các đô thị vệ tinh Hiệp Phước - Củ Chi. Phát triển cảnh quan dọc sông Đồng Nai, sông Sài Gòn; bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái trong khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ, trong khu dự trữ sinh quyển ở Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi.
TPHCM hình thành 4 vùng phát triển đô thị chính trên cơ sở hình thái không gian đô thị hiện hữu, các đặc thù về tự nhiên và cảnh quan:
Khu vực trung tâm thành phố lịch sử: Chỉnh trang đô thị theo hướng không tăng mật độ dân cư, nâng cao chất lượng cảnh quan và môi trường; bảo vệ hệ thống công viên đô thị, tăng diện tích cây xanh cảnh quan đô thị và kết nối các tuyến sông, kênh và các không gian mở.
Khu vực Đông Bắc: Phát triển theo mô hình nén với mật độ vừa phải, tránh phát triển dàn trải quá nhiều dự án khu đô thị, công nghiệp; hạn chế các phát triển thiếu kiểm soát dọc theo các trục quốc lộ, tỉnh lộ và cao tốc; hình thành các công viên chuyên đề, công viên đô thị, nông nghiệp đô thị, bảo vệ hệ sinh thái ven sông và các không gian mặt nước.
Khu vực phía Tây Bắc và Củ Chi: Phát triển nén, tập trung với mật độ vừa phải, bảo vệ không gian nông nghiệp xung quanh, tránh phát triển dàn trải trên tuyến đường Xuyên Á.
Đánh giá cao về thành công của khu CNC, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo khu CNC cần tận dụng tối đa các điều kiện ưu đãi của thành phố để phát huy hết hiệu quả và công năng của khu CNC. Đặc biệt, sớm hình thành liên kết với trường Đại học Quốc gia TP.HCM trong đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ phát triển lĩnh vực CNC. Sớm hình thành hành lang pháp lý, đi đến ký kết hợp tác với Công ty đầu tư tài chính trong việc hỗ trợ DN khởi nghiệp. “Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Tài chính và các ban ngành đẩy nhanh tiến độ hình thành khu Công viên Khoa học-CNC tại quận 9. Quy hoạch, rà soát lại khu phía Đông, nên nghiên cứu, xem xét có nên hình thành chuỗi các khu CNC khác hay không… để tham mưu cho thành phố thực hiện. Theo tôi, xây dựng khu Đô thị Đông Bắc phải gọi đúng tên là Khu Khoa học CNC-Giáo Dục và đến quý I-2018 phải trình dự án này cho thành phố xem xét”, Bí thư Nhân chỉ đạo. |