(QK7 Online) - Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhận định: “Cuộc cách mạng khoa học-công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ”, việc hình thành xã hội thông tin là một quá trình tất yếu, nếu mỗi người học tập, làm việc và giao tiếp với người khác thông qua mạng, nghĩa là họ đang ở trong xã hội thông tin. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các trang mạng xã hội ở nước ta đã phát triển nhanh chóng, tính đến hết năm 2015 Việt Nam có gần 33 triệu người dùng Internet, chiếm hơn 30% tổng dân số, mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất ở nước ta hiện nay là Facebook với khoảng 12 triệu người (chiếm 22%), Facebook Messenger (chiếm 15%) cùng với nhiều mạng, diễn đàn xã hội khác; chỉ cần một sự lựa chọn và một số động tác kỹ thuật đơn giản, mỗi người có thể sở hữu một hay nhiều tài khoản trên mạng xã hội, thực tế đó đã làm thay đổi cách thức và mở rộng quan hệ của mỗi người.
Ở đơn vị cơ sở là nơi trực tiếp giáo dục, rèn luyện quân nhân với đại đa số tuổi đời còn trẻ, có ưu thế tiếp cận thông tin, quan hệ xã hội chưa ổn định và luôn có xu hướng, nhu cầu mở rộng và thực tế hiện nay họ luôn luôn phát triển mối quan hệ trên mạng xã hội. Đó là các mối quan hệ được hình thành, phát triển trong quá trình gia nhập xã hội thông tin của quân nhân, nó là quan hệ gián tiếp, mang tính ngẫu nhiên, nhưng do nhu cầu riêng tư và mối quan tâm chung nên nó phát triển nhanh và rất khó kiểm soát. Thực tế, các mối quan hệ trên mạng thông tin xã hội chứa đựng rất nhiều rủi ro, mỗi quân nhân khi thiết lập quan hệ trên mạng thông tin xã hội đều có thể trở thành đối tượng lôi kéo của các phần tử xấu và các thế lực thù địch. Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin tùy tiện, thiếu ý thức cảnh giác, có thể dẫn đến làm lộ bí mật quân sự, hoặc có nguy cơ bị cuốn vào sinh hoạt tâm, sinh lý không chuẩn mực dẫn đến suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó cũng sẽ làm nảy sinh biểu hiện “nghiện” mạng ở không ít quân nhân, không loại trừ các trường hợp nghiện đến mức quên cả giờ ăn, giờ ngủ dẫn đến sức khỏe giảm sút, kết quả học tập công tác cũng giảm, hoặc bị đánh cắp thông tin, hình ảnh cá nhân, bị lợi dụng gây ra hậu quả xấu.
Hoạt động quân sự là hoạt động đặc thù, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp phải quản lý chặt chẽ quan hệ trên mạng thông tin xã hội của mỗi quân nhân. Đây là một vấn đề khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp, thường xuyên cảnh báo và kiểm soát mối quan hệ trên mạng thông tin xã hội của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Trong đó, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Một là, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn về quan hệ trên mạng thông tin xã hội. Cần lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng, phương tiện tạo sức mạnh tổng hợp trong việc tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội về vấn đề quan hệ trên mạng thông tin xã hội, nhận thức rõ bản chất, những nguy cơ tiềm ẩn của các mối quan hệ; thường xuyên cảnh báo quân nhân không nên kết bạn với những người không quen trên mạng, không mở email, tải file, ấn vào các đường link trên email khi không xác định rõ người gửi, cảnh giác với những email lừa đảo…; quy định và phổ biến đến mọi quân nhân về các thông tin được chia sẻ, cấm chia sẻ trên mạng thông tin xã hội, đồng thời thường xuyên phổ biến, duy trì thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ luật, quy định liên quan đến khai thác, sử dụng Internet, điện thoại di động, phương tiện thu, phát tin cá nhân. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy viên, cán bộ lập nhiều tài khoản trên mạng (chú ý: cần lựa chọn những đồng chí đã được tập huấn, bồi dưỡng nắm chắc kỹ năng thiết lập, sử dụng blog, facebook, comment bình luận… bảo đảm thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn khi thiết lập và sử dụng tài khoản; bảo mật thông tin quản trị và các biện pháp an toàn khi tham gia bình luận), kết bạn trên mạng với quân nhân của mình để nắm các mối quan hệ trên mạng thông tin xã hội của mọi quân nhân, trên cơ sở đó phân loại quan hệ, gặp gỡ trao đổi để quản lý và định hướng tư tưởng, hành vi của quân nhân.
Hai là, quản lý chặt chẽ hoạt động kết nối, sử dụng Internet của quân nhân. Mặc dù ở đơn vị cơ sở hiện nay, chỉ có cán bộ, sĩ quan, QNCN được phép sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ). Nhưng điều đó không hoàn toàn đồng nghĩa với việc HSQ,BS không thể kết nối, sử dụng Internet, nhất là khi nghỉ phép, ra ngoài đơn vị trong ngày, giờ nghỉ. Do vậy, quản lý chặt chẽ hoạt động kết nối, sử dụng Internet của quân nhân là giải pháp then chốt để quản lý quan hệ trên mạng thông tin xã hội của quân nhân; phải quản lý được mục đích kết nối, sử dụng Internet và nội dung hoạt động của quân nhân trên mạng. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp và cơ quan chức năng ở đơn vị cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và nhân dân địa phương để nắm chắc hoạt động của quân nhân tại các điểm kết nối Internet trên địa bàn đóng quân; Tuyên truyền, vận động và đăng ký cam kết cung cấp thông tin về quan hệ trên mạng thông tin xã hội của quân nhân với người kinh doanh dịch vụ kết nối Internet. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của các tổ chức, lực lượng trong đơn vị tham gia quản lý hoạt động kết nối, sử dụng Internet của quân nhân. Thông qua sinh hoạt của các tổ chức để thường xuyên rút kinh nghiệm, xử lý các sai phạm về hoạt động kết nối, sử dụng Internet của mọi quân nhân trong cơ quan, đơn vị. Đội ngũ cán bộ chủ trì cần kịp thời nắm bắt, đánh giá, phân loại đối tượng để có biện pháp quản lý trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, cần từng bước ứng dụng các giải pháp ngăn chặn về kỹ thuật bằng cách cài đặt đối với tất cả các máy tính trong đơn vị (bao gồm cả máy tính cá nhân) các phần mềm có tính năng như: phần mềm bảo đảm cán bộ, chiến sĩ không truy cập vào trang nội dung xấu; kiểm soát sử dụng phần mềm độc hại; phần mềm có ghi lại những thông tin truy cập vào mạng xã hội; ngăn chặn email không hợp lệ; giám sát nhật ký sử dụng các dịch vụ như chát, IM… Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định về việc kiểm tra an ninh đối với các thiết bị công nghệ thông tin.
Ba là, đăng ký và quản lý chặt chẽ phương tiện kết nối Internet, định kỳ kê khai bổ sung tài khoản và các mối quan hệ mới của quân nhân trên các trang mạng xã hội. Các mối quan hệ trên mạng xã hội của quân nhân không được khuyến khích, nhưng rất khó có thể cấm khắt khe và triệt để. Do vậy, biện pháp tối ưu nhất là tăng cường quản lý, biện pháp này đòi hỏi cán bộ các cấp phải thường xuyên kiểm tra HSQ,BS, kiên quyết không để HSQ,BS sử dụng ĐTDĐ; thường xuyên tiến hành đăng ký phương tiên kết nối Internet của mọi quân nhân thuộc quyền (gồm cả các loại ĐTDĐ có ứng dụng kết nối Internet); tổ chức đăng ký cam kết sử dụng đúng quy định của đơn vị, kỷ luật quân đội và pháp luật Nhà nước; thường xuyên kê khai bổ sung tài khoản và các mối quan hệ mới của quân nhân trên mạng xã hội để kịp thời cảnh báo và làm cơ sở để xem xét, xử lý các sai phạm. Mặt khắc cũng cần phát huy tinh thần tự giác, trung thực, trách nhiệm của mỗi quân nhân.
Nắm, quản lý, giải quyết các mối quan hệ xã hội (bao gồm cả quan hệ thực và quan hệ trên mạng) của quân nhân hiện nay đang là yêu cầu bức thiết của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Thực hiện tốt vấn đề này sẽ phòng ngừa, ngăn chặn được nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến cá nhân, tập thể đơn vị và hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần thiết thực trong việc xây dựng tổ chức đảng TSVM, đơn vị VMTD.
Nguyễn Công Minh