(QK7 Online) - Từ một vùng đất hoang vu được nhiều người ví von là nơi “khỉ ho cò gáy”, sau nhiều năm được “tiếp sức” từ nhiều phía, nay khu dân cư Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ổn định, ấm no.
Diện mạo khu Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập hôm nay. Ảnh: P.V
Từ hoang vu thành khu dân cư kiểu mẫu
Năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn giao cho huyện Bù Gia Mập 279 lô đất (mỗi lô từ 350-400m2) trong tổng diện tích hơn 36 ha đất thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Gia Phúc để thực hiện dự án di dời và ổn định dân di cư tự do trên địa bàn huyện. Được giao đất, địa phương phối hợp với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, Quân khu 7 vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ kinh phí bắt tay xây dựng khu dân cư mới cho đồng bào S’tiêng tại Tiểu khu 119, thôn Hai Căn và đặt tên là Khu tái định cư 119 mà người dân trong vùng quen gọi là “khu Hai Căn”.
Từ vùng đất hoang vu, xa xôi, lưa thưa vài cây rừng còn sót lại, điện, đường, trường, trạm không có dần được khai hoang. Song song với quá trình xây dựng, UBND xã Phú Nghĩa phối hợp Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 vận động 42 hộ đồng bào S’tiêng với 200 người tại đội 6, thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa trước đây di cư từ xã Long Hà, thị xã Phước Long (nay thuộc huyện Phú Riềng) lên năm 1997 đến khu ở mới.
Ông Trần Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết: Sau 1 năm vận động, 42 hộ đầu tiên đã đồng ý chia tay nơi ở cũ đến với khu Hai Căn, được sống trong những căn nhà tình thương xây dựng khá khang trang, vững chắc với kinh phí từ 50-70 triệu đồng/căn, do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 hỗ trợ, trên diện tích từ 350-400m2. Kèm theo căn nhà được cấp, các hộ còn được doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng bò, tivi, quạt máy, bếp gas... phục vụ sinh hoạt.
Thành công từ 42 hộ đồng bào S’tiêng ban đầu và bằng các nguồn hỗ trợ từ nhiều phía như: Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, Quỹ “Vì người nghèo tỉnh”, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, địa phương tiếp tục mở rộng xây dựng khu Hai Căn. Huyện phối hợp Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 tiếp tục vận động những hộ dân khó khăn, nghèo, Việt kiều Campuchia về nước đến sinh sống tại khu Hai Căn. Qua công tác di dân, khu Hai Căn hiện có 119 hộ, với đủ thành phần dân tộc như: S’tiêng, Tày, Nùng, Mường, Kinh... Tổng kinh phí đầu tư khu Hai Căn đến nay hơn 12 tỷ đồng.
Đổi đời
Bà Huỳnh Thị Vân (64 tuổi) và con trai Huỳnh Công Phúc (40 tuổi) từ Campuchia trở về Việt Nam không nhà, không đất, cuộc sống nay đây mai đó, công việc không ổn định, bữa đói bữa no, nay được cấp nhà đất tái định cư đã ổn định cuộc sống ở khu Hai Căn. “Vì lớn tuổi không đi làm công ty được nên tôi lấy điều về bóc vỏ lụa, còn con tôi đi phụ hồ, thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống, không như trước đây khó khăn triền miên” - bà Vân nói.
Tương tự, gia đình chị Điểu Thị Mai được địa phương cấp nhà, đất ở khu Hai Căn. Đến đây một thời gian nay gia đình đã thoát nghèo. Hằng ngày, chị cùng con gái Điểu Thị Hằng (13 tuổi) đi lấy hạt điều về nhà bóc vỏ lụa, còn chồng đi làm thuê cũng có thu nhập ổn định.
Chị Thị Đúp nói cách nay 3 năm, các cán bộ đưa 3 mẹ con về đây cấp nhà, cấp đất rồi hỗ trợ nhiều thứ nữa, hỗ trợ thêm 2 con bò. Giờ tôi vừa nuôi bò vừa đi làm thuê nuôi 2 con ăn học. Các con đi học không tốn tiền, hàng tháng Nhà nước còn hỗ trợ mỗi đứa 100 ngàn đồng.
Gia đình anh Nguyễn Chí Linh và chị Nguyễn Thị Thi là điển hình trong thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Gia đình anh được đưa từ lòng hồ (xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập) lên bờ. Sau khi được cấp nhà, đất, từ tiền tích cóp và đi vay, anh chị mở cửa hàng bán tạp hóa tại nhà phục vụ nhu cầu người dân trong thôn. Mặt khác, anh chị liên hệ với các doanh nghiệp lấy hạt điều về giao cho những lao động nhàn rỗi ở thôn bóc vỏ lụa. Công việc không chỉ mang về thu nhập cao cho gia đình mà còn giúp hàng chục lao động nhàn rỗi có việc làm, tăng thu nhập.
Một trong những hộ khá giả nhất ở khu Hai Căn phải kể đến gia đình ông Điểu Tứ. Nhờ siêng năng, chí thú làm ăn, nay gia đình ông đã xây dựng được cơ ngơi bề thế. Sau khi chia tài sản cho 4 người con ra ở riêng, ông còn 6 ha vườn, trong đó 5 ha cao su và 1 ha điều. Ngoài ra, ông còn có 0,5 ha đất trồng hoa màu vừa phục vụ gia đình vừa để bán và tặng những người khó khăn trong thôn. Thu nhập của gia đình ông Điểu Tứ mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ông còn đi đầu trong việc liên hệ với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 để đào tạo nghề cạo mủ cao su cho lao động trong thôn, sau đó giới thiệu vào đơn vị này và các công ty, hộ cá thể trong vùng cạo mủ.
ĐÔNG KIỂM