Giới thiệu với chúng tôi về mô hình “3 cùng, 2 trước, 2 sau”, Thiếu tá Trần Phong Phú, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Gia Định, cho biết: “Đó là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bộ đội; dậy trước, làm trước và ngủ sau, về sau chiến sĩ. Trên thực tế, mô hình vừa khái quát, vừa làm sâu sắc thêm vai trò của người cán bộ trong mọi hoạt động để bộ đội làm theo. Đội ngũ cán bộ của trung đoàn phần lớn tuổi còn trẻ, được đào tạo cơ bản nên công tác bồi dưỡng, rèn luyện thực hiện chu đáo sẽ phát huy tốt khả năng, trách nhiệm”.
Thượng úy Võ Văn Thành, Đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, chia sẻ: “Với đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới, cán bộ phải bám nắm bộ đội chặt chẽ hơn. Mô hình “3 cùng, 2 trước, 2 sau” giúp chúng tôi thực hiện một cách chuyên sâu, thống nhất, duy trì nghiêm, đúng, đủ các chế độ, bảo đảm giờ nào việc nấy, đồng thời cán bộ gần gũi hơn với chiến sĩ mới”.
Đã trải qua hai khóa huấn luyện chiến sĩ mới, Trung úy Nguyễn Hoàng Dũng, Trung đội trưởng Trung đội 25, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3 rất tâm đắc với mô hình “3 cùng, 2 trước, 2 sau”. Theo Trung úy Nguyễn Hoàng Dũng, thực hiện mô hình này giúp cán bộ trung đội, tiểu đội luôn chủ động trong mọi việc, tạo sự gắn kết, chia sẻ và thấu hiểu chiến sĩ. Khi người cán bộ trở thành hình mẫu chuẩn mực, sâu sát trong mọi việc sẽ giúp chiến sĩ tự giác, tiến bộ.
Còn Trung úy Trần Quốc Dũng, Trung đội trưởng Trung đội 17, Đại đội 7, Tiểu đoàn 2 cho biết: “Nhờ dậy trước, ngủ sau bộ đội, tôi kịp thời nhắc nhở những chiến sĩ chưa thực hiện nghiêm nền nếp, lơ là trong công việc. Chẳng hạn, thấy một số chiến sĩ dậy rất sớm để gấp chăn màn vì sợ bị xấu, ảnh hưởng đến thi đua của tiểu đội, tôi giải thích với anh em việc tự giác, chủ động lo công việc là tốt nhưng dậy quá sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và các mặt công tác khác. Vì vậy, chiến sĩ nên tận dụng giờ nghỉ, ngày nghỉ để tập gấp chăn màn cho đẹp sẽ hợp lý”.
Cùng với mô hình cán bộ “3 cùng, 2 trước, 2 sau”, Trung đoàn Gia Định còn triển khai cụ thể, thiết thực các mô hình, như: “Đơn vị 3 nhất”, “Mỗi tuần 1 giờ học tập, nghiên cứu 1 văn bản quy phạm pháp luật”, “5 chủ động trong công tác tư tưởng”... Cách làm sáng tạo của trung đoàn là linh hoạt triển khai các mô hình phù hợp đặc thù từng đơn vị. Chất lượng thực hiện mô hình là tiêu chí đánh giá nhưng không tạo áp lực nặng nề cho người cán bộ mà tất cả vì mục tiêu chung là sự tiến bộ, trưởng thành của chiến sĩ. Chính vì vậy, tham quan doanh trại của Trung đoàn Gia Định, chúng tôi thấy rất nhiều khẩu hiệu “Tất cả vì chiến sĩ thân yêu”.