Đã thành thông lệ, cứ mỗi khi đất nước ta có sự kiện chính trị quan trọng thì các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lại tung ra những luận điệu sai trái, tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặc dầu họ biết đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng họ muốn xóa đi tất cả những điều mà Nhân dân ta đã thống nhất trong Hiến pháp cũng như trong luật.
Chúng phủ nhận vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với luận điệu cho rằng sẽ không có bầu cử dân chủ khi hiệp thương chia ghế đại biểu trước khi bầu cử. Hiệp thương do Đảng lãnh đạo sắp xếp ai được thì người đó được. Thực chất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nơi tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bao gồm đại diện cho các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Trong quy trình bầu cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức các hội nghị hiệp thương nhằm lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đảm bảo dân chủ và đúng luật; đảm bảo chất lượng của đại biểu. Đây là một mô hình rất chặt chẽ mà không phải quốc gia nào cũng có. Luật Bầu cử ở Việt Nam quy định rất rõ chỉ có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới có quyền hiệp thương lựa chọn người ra giới thiệu ứng cử làm sao để những đại biểu được bầu thực sự là những người của dân, sống vì dân và hoạt động Quốc hội do Nhân dân. Bởi vậy, những ý kiến không thiện chí cho rằng bầu cử tại Việt Nam là không dân chủ thì với những câu nói ấy với người dân Việt Nam là bằng thừa. Thông qua những gì đang diễn ra trên thế giới thì người dân Việt Nam tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, điều hành của Nhà nước trong cuộc bầu cử này là phát huy dân chủ, công bằng và hợp lý. Cử tri cần sự ổn định, cần tìm ra tiếng nói của người đại diện cho họ nhưng lại phù hợp với điều kiện của đất nước Việt Nam chúng ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và những gì chúng ta đã làm, đang làm, đang tiến hành bầu cử từ cấp cơ sở đến Quốc hội như vậy là phù hợp.
Thực tiễn hơn 90 năm qua đã chứng minh cho thấy vai trò lãnh đạo mang tính quyết định của Đảng ta trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong cuộc bầu cử là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất, từ đó lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.
Cùng với việc đưa ra những luận điệu, quan điểm sai trái về tính dân chủ và vai trò của Đảng trong bầu cử thì vấn đề về người tự ứng cử và ứng cử viên ngoài Đảng tiếp tục là chiêu bài mà các thế lực thù địch và những đối tượng phản động sử dụng nhằm đưa thông tin sai lệch với mục tiêu lợi dụng dân chủ để dẫn dắt dư luận xã hội, phá hoại cuộc bầu cử ở nước ta hiện nay...
Trên thực tế, những thành phần cơ hội này thường không đủ tiêu chuẩn ra ứng cử, khi mà phần lớn họ đều chưa đủ tiêu chuẩn để là 1 công dân Việt Nam gương mẫu, có ích cho xã hội, thậm chí còn không được chính người dân nơi họ đang cư trú tin tưởng và tín nhiệm. Vì thế, khi không đạt được số phiếu lựa chọn từ nơi cư trú, những “nhà dân chủ” bất đắc dĩ này lại tìm cách lu loa trên các trang mạng xã hội rằng quy trình giới thiệu người ứng cử là do Đảng “đạo diễn”, việc tự ứng cử của các ứng cử viên như họ luôn vấp phải cản trở, bị gây khó dễ... hay lâu nay số người tự ứng cử lọt vào Quốc hội gần như là con số không. Trên thực tế, quá trình giới thiệu ứng cử viên và người tự ứng cử hay ứng cử viên ngoài Đảng ở Việt Nam hoàn toàn minh bạch, công khai và dân chủ, do chính cử tri ở các cấp cơ sở sáng suốt lựa chọn bằng lá phiếu tín nhiệm.
Dân chủ thực sự trong bầu cử
Thực tiễn ở nước ta cho thấy, công tác bầu cử dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức khoa học, chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc dân chủ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cả xã hội, cũng như phát huy quyền làm chủ của mọi tầng lớp Nhân dân. Mỗi người Việt Nam có lương tri và có trách nhiệm đối với xây dựng đất nước đều nhận thấy, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước, cần nghiêm túc thể hiện trách nhiệm công dân, thực hiện tốt Hiến pháp và pháp luật.
Như vậy, hơn lúc nào hết, các tổ chức Đảng, mọi cán bộ, đảng viên, các cơ quan báo chí và lực lượng nòng cốt trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời có những bài viết có cơ sở khoa học phản bác; phê phán những quan điểm, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; chủ động nắm bắt thông tin, định hướng dư luận trước những vấn đề nóng bỏng mà xã hội cũng như Nhân dân ta đang quan tâm, chú ý. Trong một số trường hợp, cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng để xác định, ngăn chặn, xử lý đối tượng vi phạm ẩn danh trên mạng xã hội; thậm chí, yêu cầu các cơ quan cung cấp dịch vụ (Google, YouTube, Facebook,...) ngăn chặn không cho xuất hiện hoặc gỡ bỏ những thông tin vi phạm pháp luật, trái với luật pháp Việt Nam. Đồng thời, tích cực tuyên truyền vai trò lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong cuộc bầu cử. Cùng với đó, cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chú trọng thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhằm ngăn chặn không cho các hiện tượng tiêu cực từ bên ngoài có điều kiện tiếp xúc và xâm nhập vào nội bộ.
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng