(QK7 Online) - Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nắm chắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng các chủ trương, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết 623; có nhiều chủ trương, giải pháp triển khai thực hiện sáng tạo, đồng bộ, quyết liệt, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về công tác bảo đảm hậu cần. Đó là nhận định của các đại biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm (2012 - 2022) thực hiện Nghị quyết số 623 của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết số 1021 của Đảng ủy Quân khu 7 về công tác hậu cần đến năm 2020 và những năm tiếp theo do Đảng ủy Quân khu 7 tổ chức sáng 4/8/2022.
Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu tham quan các sáng kiến trong công tác hậu cần của LLVT Quân khu.
Dự và chỉ đạo hội nghị có Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 623/Bộ Quốc phòng; Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân khu và các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu.
Trung tướng Trần Hoài Trung phát biểu khai mạc hội nghị.
Triển khai chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả
Để đưa Nghị quyết 623 vào thực tiễn, đạt hiệu quả cao, Đảng ủy Quân khu ban hành Nghị quyết số 1021 ngày 18/1/2013 về lãnh đạo công tác hậu cần Quân khu đến năm 2020 và những năm tiếp theo; cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp vào Chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ Đảng bộ Quân khu và nghị quyết thường kỳ; tập trung đột phá khắc phục những khâu yếu, mặt yếu; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường; gắn kết chặt chẽ Nghị quyết 623 với phong trào thi đua quyết thắng, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong LLVT Quân khu.
Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần và Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu dự hội nghị.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo, điều chỉnh sắp xếp, kiện toàn tổ chức, biên chế ngành Hậu cần. Công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hậu cần được chú trọng. Hiện cán bộ hậu cần Quân khu đạt 92,3% biên chế, có trình độ cao đẳng trở lên đạt 96,7% (tăng 9,6% so với năm 2012).
Đại tá Huỳnh Tấn Hùng, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu cho biết: Để thực hiện tốt Nghị quyết 623 của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy - Ban Chủ nhiệm Cục Hậu cần thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn kiện hậu cần tác chiến phù hợp với phương án, Quyết tâm tác chiến phòng thủ Quân khu; bảo đảm đầy đủ kịp thời cho các nhiệm vụ, ưu tiên lực lượng làm nhiệm vụ trên các địa bàn trọng điểm, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; duy trì nghiêm chế độ hậu cần SSCĐ; tăng cường huấn luyện, diễn tập hậu cần, nâng cao khả năng cơ động và bảo đảm của cơ quan, kho trạm, phân đội hậu cần, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Thiếu tướng Võ Văn Thi, Phó Tư lệnh Quân khu trình bày báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 623 của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết số 1021 của Đảng ủy Quân khu.
Huy động mọi nguồn lực đảm bảo hậu cần
TPHCM và 8 tỉnh trên địa bàn Quân khu luôn chú trọng tăng cường quốc phòng, an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch phát triển, đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng LLVT, đây là điều kiện thuận lợi để Quân khu phát huy các nguồn lực xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần trong khu vực phòng thủ. Ngoài ngân sách quốc phòng, trong 10 năm qua, các địa phương quan tâm đầu tư ngân sách cho công tác hậu cần LLVT Quân khu trên 7 ngàn tỉ đồng.
Các địa phương đã quy hoạch, đầu tư xây dựng khu căn cứ hậu cần - kỹ thuật cấp tỉnh và một số căn cứ hậu cần - kỹ thuật cấp huyện với tổng diện tích trên 31 ngàn ha, kinh phí trên 816 tỷ đồng, được thiết kế đầy đủ hạng mục, phục vụ cho nhiệm vụ quân sự - quốc phòng hiện tại, lâu dài, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và củng cố tiềm lực hậu cần – kỹ thuật vững chắc trên địa bàn Quân khu.
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu và cơ quan Quân khu dự hội nghị.
Để đảm bảo công tác hậu cần xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Quân khu trong 10 năm qua, cùng với sự đồng thuận, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền 9 tỉnh, thành phố, Quân khu huy động các doanh nghiệp trên địa bàn đồng hành trong triển khai thực hiện các chủ trương, mô hình sáng tạo, hiệu quả, có ý nghĩa sâu sắc về chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Trong cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, Quân khu chủ động trao đổi thống nhất với cấp ủy, chính quyền địa phương, kịp thời tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tăng cường lực lượng, phương tiện; động viên cán bộ, chiến sĩ đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn lực tại chỗ và phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, huy động trên 812 tỷ đồng giúp Nhân dân vượt qua đại dịch.
Đảm bảo tốt các mặt công tác hậu cần
Với chủ trương đảm bảo cho LLVT Quân khu “ăn ngon, mặc đẹp, ngủ ấm, uống sạch”, công tác Quân nhu trong 10 năm qua thực hiện tốt vai trò tham mưu xây dựng tiềm lực Quân nhu khu vực phòng thủ bảo đảm tính liên hoàn, vững chắc. Hầu hết các đơn vị bảo đảm 100% nhu cầu rau xanh và thịt, trên 75% cá các loại. Giá các sản phẩm tăng gia sản xuất đưa vào bếp ăn luôn thấp hơn so với giá thị trường. Quân khu tập trung nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội, trong đó chú trọng đầu tư hiện đại hóa thiết bị nhà ăn, nhà bếp; đưa vào sử dụng bếp lò hơi cơ khí, bếp dầu hóa hơi, bếp điện, góp phần tiết kiệm chi phí chất đốt trong cơ cấu tiền ăn từ 20 đến 25%.
Ngành Quân y đẩy mạnh thi đua xây dựng “Đơn vị quân y 5 tốt”; quy hoạch các cơ sở, đơn vị Quân y theo hướng chiến lược; tăng cường cải tiến, hiện đại hóa trang thiết bị cho các tuyến quân y chiến thuật, chiến dịch nhằm nâng cao sức cơ động, đưa kỹ thuật ra tuyến trước; nâng cao hiệu quả Đề án “Phát triển 3 bệnh viện của Quân khu đến năm 2020” và Đề án “Phát triển mạng lưới quân dân y kết hợp bảo đảm SSCĐ và tác chiến phòng thủ của LLVT Quân khu” với 15 Trạm y tế quân dân y kết hợp.
Công tác xăng dầu tập trung xây dựng, nâng cấp các kho xăng dầu, cảng, tuyến ống dẫn, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, dự trữ, bảo quản xăng dầu, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, trong đó nổi bật là triển khai đầu tư 2 dự án xây dựng Kho xăng dầu cảng quân sự Bến Đầm Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và kho xăng dầu huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận để dự trữ SSCĐ.
Ngành Vận tải quản lý chặt chẽ lực lượng và phương tiện, xây dựng kế hoạch vận chuyển khoa học. Thực hiện Đề án đổi mới phương tiện vận tải và Đề án “Vận tải bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và tác chiến phòng thủ của LLVT Quân khu giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo”, Quân khu và các địa phương mua mới 331 phương tiện vận tải các loại, tổng số tiền 281 tỷ đồng, góp phần nâng cao hệ số kỹ thuật, bảo đảm an toàn và tăng khả năng cơ động vận chuyển.
Hoạt động Doanh trại tập trung vào 2 khâu đột phá, đó là quy hoạch doanh trại và nâng cao chất lượng công trình xây dựng. Mặt bằng xây dựng doanh trại của các đơn vị được quy hoạch tổng thể, đồng bộ, có phân khu chức năng rõ ràng. Quân khu đầu tư 12.694 tỷ đồng xây dựng cơ bản, đồng thời chỉ đạo hậu cần đơn vị, địa phương huy động các nguồn lực sửa chữa, xây dựng doanh trại. Đến nay, 1.306/1.314 Ban CHQS phường, xã, thị trấn trên địa bàn đã có trụ sở làm việc riêng, đảm bảo tốt nơi ăn, ở, công tác của lực lượng dân quân.
Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu tham quan sản phẩm của ngành hậu cần Quân khu trưng bày tại hội nghị.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác hậu cần của LLVT Quân khu trong thời gian tới, Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hậu cần đối với việc nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội: “Thực túc, binh cường”, “Ăn no, đánh thắng”, Quân đội không thể mạnh nếu công tác hậu cần yếu; nắm chắc quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp Nghị quyết 623 đã xác định; xác định rõ công tác Hậu cần là nhiệm vụ của cấp ủy, chỉ huy các cấp, là nhiệm vụ của LLVT Quân khu, trong đó cơ quan hậu cần, đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần là nòng cốt; công tác bảo đảm hậu cần luôn luôn phải thấu suốt quan điểm “đi trước, về sau”; coi nhẹ, buông lỏng công tác hậu cần là biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”.
Cần chú trọng đổi mới công tác bảo đảm hậu cần, tập trung thực hiện thắng lợi các khâu đột phá tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc ở tất cả các cấp; rà soát bổ sung chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết 623 đã đề ra, bổ sung chỉ tiêu, biện pháp phù hợp với tình hình mới.
Đảng ủy Quân khu tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp với Tỉnh, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác QS, QP địa phương; quan tâm đầu tư ngân sách địa phương cho nhiệm vụ QS, QP, xây dựng LLVT địa phương vững mạnh ngay từ cơ sở; ưu tiên xây dựng các công trình phòng thủ, căn cứ hậu cần – kỹ thuật, mua sắm trang bị, phương tiện vận tải quân sự, chăm lo đời sống, giải quyết chính sách; thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án về công tác hậu cần; gắn kết chặt chẽ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương với củng cố quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, góp phần xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần toàn dân, xây dựng hậu cần KVPT vững chắc; phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực, bảo đảm tốt hậu cần cho LLVT Quân khu trong thời bình và thời chiến.
Quân khu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” trong công tác hậu cần (người sẵn sàng; trang bị, phương tiện sẵn sàng; phương án sẵn sàng) có tình huống là ứng phó thắng lợi, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm tốt hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, nhất là nhiệm vụ A2, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn; chủ động phương án bảo đảm hậu cần ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh ở cấp độ cao hơn Covid-19; đối phó hoạt động khủng bố sinh học, hóa học; những tình huống biểu tình, bạo loạn.
LLVT Quân khu phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường trong đảm bảo hậu cần, trong đó chú ý đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng đời sống bộ đội, tuyệt đối không được để khó khăn, bức xúc; triển khai tốt việc đổi mới công tác bảo đảm hậu cần vừa tập trung, vừa phân cấp, tiếp tục xã hội hóa công tác bảo đảm, nâng cao khả năng tự sản xuất được những mặt hàng thiết yếu, không phải mua ở thị trường.
Các cơ quan, đơn vị siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác hậu cần; mọi chủ trương, biện pháp tiến hành công tác hậu cần phải được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công tác Hậu cần và trực tiếp đến tay bộ đội; phải thực hiện tốt lời Bác dạy: “làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng chiến sĩ. Đó là bổ phận của các chú”; tuyệt đối không để xảy ra tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong công tác hậu cần; thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đối với công tác hậu cần; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, kịp thời xử lý không để sai phạm lan rộng, kéo dài.
Quân khu tập trung xây dựng ngành hậu cần vững mạnh, trong đó chú ý kiện toàn ngành hậu cần có đủ số lượng, nhất là các chuyên ngành chủ yếu, khắc phục việc thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở; tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự “cần, kiệm, liêm, chính”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; kết hợp thu hút, tuyển dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn ở một số ngành phù hợp vào phục vụ Quân đội. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học cho lý luận, thực tiễn của hậu cần trong LLVT Quân khu; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, không ngừng nâng cao hiệu quả bảo đảm hậu cần trong tình hình mới.
Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu trao thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 623 của Quân ủy Trung ương.
Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu trao thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 623 của Quân ủy Trung ương.
Tại hội nghị, Bộ Tư lệnh Quân khu tặng bằng khen cho 36 tập thể, 42 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 623 của Quân ủy Trung ương.
Tấn Chí, Trần Rô, Ngọc Tuân