Sách ông hay không chỉ ở ngôn từ đa dạng, giọng điệu giàu cảm xúc mà còn hay ở tính chân thật. Những câu chuyện, con người mà Đại tá Trần Thế Tuyển viết, vẽ lên không phải là hình dung, mường tượng mà ông là người trực tiếp đi, thu thập và cất giữ. Mấy chục năm qua, ông xem những tư liệu đó là hiện thực lịch sử, là bệ phóng cho những đứa con tinh thần của mình.
Quay lại “Nơi thành đồng Tổ quốc”, truyện ký với hơn 300 trang, tập hợp những bút ký về hình tượng người Bộ đội Cụ Hồ, chiến trường xưa… Có thể kể đến “Chiến công thầm lặng”, “Một chuyến hành hương”, “Kỷ niệm ngày vào Đảng”, “Long Khốt vùng di sản quốc gia”… đan xen đó là những câu chuyện, ký ức của tác giả về các chuyến hành quân về chiến trường xưa.
Dù truyện ký viết về hồi ức lịch sử, câu chuyện quá khứ nhưng cách thể hiện của ông luôn tươi mới, thu hút bởi vậy mà sách vừa ra lò đã “cháy hàng”. Có thể thấy, thành công lớn nhất trong cuộc đời cầm bút của Đại tá Trần Thế Tuyển là chạm đến trái tim của nhiều người, độc giả của ông không chỉ là những người cùng trang lứa mà đó còn là những cụ ông, cụ bà lớn tuổi, thậm chí là những người tuổi đôi mươi.
Trưởng thành từ một người lính của Trung đoàn 174 (Đoàn Cao - Bắc - Lạng), là người trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường nên những ký ức bên đồng đội luôn sống mãi trong ông. Những đứa con tinh thần ra đời cũng là cách để ông trả món nợ nghĩa tình.
“Gừng càng già càng cay”, văn, thơ của Đại tá Trần Thế Tuyển qua nhiều năm lại càng mặn mà, đặc biệt, cách đúc kết, xâu chuỗi các sự kiện, nhân vật, bối cảnh từ quá khứ đến thực tại càng làm người đọc hiểu rõ hơn về những giá trị lịch sử, những hy sinh, cống hiến của người lính Bộ đội Cụ Hồ. Qua đó, giúp thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, trách nhiệm đối với quê hương, dân tộc...