Một trong những thành tựu nổi bật, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng là việc chăm lo đời sống, giải quyết việc làm ổn định cho đồng bào vùng biên giới giáp ranh và xây dựng các công trình dân sinh, phát triển kinh tế gắn với QPAN khu vực biên giới. Trong đó, huyện Lộc Ninh là địa bàn phát triển kinh tế vùng biên tốt nhất của tỉnh, hiện đã có 3 dự án gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, dự án điện mặt trời và khu du lịch di tích, tâm linh, sinh thái Tà Thiết. Ông Hoàng Nhật Tân, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết: Năm 2019, khu du lịch di tích, tâm linh, sinh thái tại căn cứ Tà Thiết, trên địa bàn xã biên giới Lộc Thành, bước đầu đi vào hoạt động. Đây là điểm đến của nhiều du khách trong nước và nước ngoài. Hiện nay, lượng khách du lịch tham quan, về nguồn tại căn cứ Tà Thiết tăng gấp 10 lần so với trước, tạo thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn.
Đây là kết quả thực hiện nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy Bình Phước từ đầu năm 2017, ưu tiên phát triển kinh tế, đời sống đồng bào vùng biên, tập trung xây dựng tiềm lực kinh tế, quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng biên cương xanh.
Thực hiện nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, huyện Bù Gia Mập nỗ lực đầu tư cho 8 xã có đường biên giới giáp ranh, làm thay đổi diện mạo của vùng biên cương hẻo lánh. Tới thăm khu tái định cư thuộc Tiểu khu 42, thôn 10, xã Đăk Ơ, chúng tôi ghi nhận sự phát triển vượt bậc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số nằm dọc tuyến biên giới dài hàng chục km. Đây là một trong hai khu tái định cư của huyện Bù Gia Mập dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ khó khăn thụ hưởng những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đường từ trung tâm xã vào khu tái định cư dài 10km vừa được trải nhựa phẳng lỳ, thoáng, rộng. Khu tái định cư đẹp bởi các căn nhà đều được xây dựng cùng một mẫu thiết kế. Hệ thống điện kéo vào 100% hộ trong dự án... Ông Phạm Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập chia sẻ: Để hoàn thành dự án, huyện đã huy động mọi nguồn lực kết hợp sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 xây dựng thành công khu tái định cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng cơ bản, bảo đảm đời sống người dân vùng biên giới từng bước khá lên và có việc làm ổn định mang lại thu nhập cho gia đình.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm, để thu hút nhà đầu tư đến với địa phương, nhất là khu vực biên giới, Bình Phước ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho sản xuất, kinh doanh; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, rút gọn thủ tục hành chính và ban hành các chính sách ưu đãi đặc thù nhằm thu hút nhà đầu tư.
Cùng với việc huy động mọi nguồn vốn xã hội hóa, Bình Phước chủ trương phát huy sức mạnh của các đơn vị kinh tế, quốc phòng đứng chân trên địa bàn để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng sâu, vùng xa. Trong đó, Binh đoàn 16 mà trực tiếp là Trung đoàn 717 và Trung đoàn 719 đã tham gia hiệu quả vào việc phát triển an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bù Đăng; hỗ trợ xây dựng tiềm lực quốc phòng địa phương vững chắc thông qua hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân, xây dựng hạ tầng, giúp đỡ xây dựng nông thôn mới và hình thành các cụm dân cư biên giới để phát triển kinh tế gắn với xây dựng thế trận phòng thủ… Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước thực hiện nhiều mô hình, chương trình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân khu vực biên giới, như: Giúp nhân dân trồng lúa nước, hỗ trợ người dân bò giống, dê giống và kỹ thuật chăn nuôi dê, bò, hướng dẫn mô hình vườn tiêu năng suất, chất lượng, an toàn; cử cán bộ tham gia cấp ủy địa phương để tăng cường sức lãnh đạo xây dựng biên cương xanh… Đồng chí Phạm Hùng Sơn, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước, nhận định: Đối chiếu với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đến thời điểm này, tỉnh Bình Phước đã đạt được khá nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt là phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị để xây dựng và bảo vệ vững chắc tuyến biên giới của Tổ quốc; kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với QPAN và QPAN với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng quy hoạch, kế hoạch phát triển địa phương, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, xây dựng biên cương xanh, ấm no, yên bình, ổn định.