Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân
Từ khi thành lập đến nay Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thực hiện chức năng, nhiệm vụ sẵng sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động, sản xuất kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Quân đội nhân dân được tổ chức từ cấp trung ương đến địa phương; đóng quân rộng khắp trên địa bàn cả nước, trong đó nhiều lực lượng (Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát Biển…) đóng quân và làm nhiệm vụ trực tiếp trên các địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, được Nhân dân tin yêu. Các đơn vị quân đội được trang bị cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện các nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ được đào tạo chính quy qua các trường trong và ngoài quân đội, có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác tốt, đây là điều kiện thuận lợi, tiên quyết để quân đội tham gia phổ biến giáo dục pháp luật và vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.
Thực tiễn, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ, Quân đội luôn là lực lượng tiên phong, gương mẫu đi đầu trong chấp hành pháp luật Nhà nước; tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Vai trò của quân đội được thể hiện rõ nét trong công tác tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật
Đề án xác định, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật cho mọi tầng lớp Nhân dân, xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật là nội dung quan trọng, vừa có tính cấp thiết, vừa là công việc có tầm chiến lược lâu dài, góp phần quan trọng vào việc duy trì trật tự, kỷ cương của Nhà nước và xã hội; bảo đảm quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân ở nước ta hiện nay.
Quá trình triển khai thực hiện Đề án sẽ giúp cán bộ, Nhân dân và sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội nắm được những nội dung cơ bản về pháp luật; những nội dung liên quan đến đời sống, lao động, sản xuất, kinh doanh, quyền và nghĩa vụ công dân… góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở cơ sở.
Thực hiện Đề án góp phần khắc phục những hạn chế, tồn tại về công tác phối hợp trong phổ biến giáo dục pháp luật; đưa công tác phổ biến giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở lên tầm cao mới, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, hải đảo trong tình hình mới
Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là cơ sở tiền đề quan trọng thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, hải đảo trong tình hình mới.
Đặc điểm vùng biên giới, hải đảo ở nước ta trải dài rộng khắp tại 44 tỉnh, thành phố với 8.000km đường biên giới, bờ biển; có 117 cửa khẩu biên giưới đất liền, 88 lối mở, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 37 cửa khẩu cảng biển, 19 khu kinh tế ven biển; dân số vùng biên giới, hải đảo hơn 7,2 triệu người bao gồm 49 dân tộc, 6 tôn giáo chính. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, rất cần được bảo vệ an toàn, quản lý chặt chẽ, xây dựng vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc triển khai Đề án là hết sức cần thiết góp phần củng cố, tăng cường và tạo bước đột phá trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và thiếu số góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, hải đảo trong tình hình mới.