Lực lượng Công binh tỉnh Bình Phước xử lý bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Căn cứ xác định khu vực ô nhiễm bom mìn vật nổ (BMVN) như sau:
Khu vực có bằng chứng trực tiếp về sự hiện diện của BMVN (quan sát trực quan phát hiện có BMVN, mảnh hay bộ phận của BMVN, phễu nổ hay hố bom đạn).
Khu vực chưa được rà phá bom mìn và có ít nhất hai trong các yếu tố sau:
- Có hồ sơ đủ tin cậy xác định ô nhiễm BMVN từ các cuộc điều tra, khảo sát trước đó;
- Nằm trong khu vực căn cứ quân sự cũ, trận địa, đồn bốt, trường bắn, bãi hủy, kho vũ khí trước đây;
Đất đai đang không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào vì người dân nghi ngờ có BMVN;
- Có tai nạn do BMVN cho người hoặc gia súc, hoặc có các vụ nổ do BMVN trong khoảng thời gian 10 năm tính đến thời điểm điều tra.
Quy chuẩn quy định, việc rà phá bom mìn vật nổ được thực hiện trên cạn khu vực bãi mìn, trên cạn khu vực không phải là bãi mìn, dưới nước ở độ sâu nước không lớn hơn 25 m và dưới nước ở độ sâu nước lớn hơn 25 m.
Các tổ chức rà phá bom mìn vật nổ phải bảo đảm đã áp dụng mọi nỗ lực phù hợp để tìm kiếm, di dời và tiêu hủy tất cả các nguy cơ về bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại khu vực xác định, đến độ sâu nhất định theo phương án kỹ thuật thi công được phê duyệt hoặc hợp đồng với chủ đầu tư/chủ sử dụng đất để đảm bảo khu vực đó an toàn đối với người sử dụng.
Việc tiêu hủy bom mìn vật nổ thực hiện như sau: Các loại bom mìn vật nổ phải tiêu hủy tại vị trí phát hiện là các loại bom đạn chùm được xác định là đã qua quá trình phóng, rải, bắn ném từ bom mẹ; các loại mìn chống người, mìn cháy, mìn khói được xác định là đã qua quá trình cài đặt, phóng, rải và các loại lựu đạn tay đã rút chốt an toàn, lựu đạn xoay M406 và các biến thể (đầu đạn súng M79), đạn tên lửa chống tăng, đầu đạn B40, B41 đã được bắn ra, các loại ngòi/đầu nổ rời.
Nguyên tắc thu gom, phân loại, vận chuyển về nơi tập trung và quản lý chỉ thực hiện với các loại bom mìn vật nổ không phải tiêu hủy tại vị trí phát hiện. Các nhân viên chuyên môn kỹ thuật khi thực hiện các công việc này phải được sự cho phép của người chỉ huy cao nhất tại hiện trường.
Nơi cất giữ, bảo quản các loại bom mìn vật nổ phải được bố trí ở nơi xa dân, xa vị trí đóng quân, xa các kho tàng và các công trình khác; phải đảm bảo khoảng cách an toàn đối với sóng xung kích và mảnh văng đến các công trình, khu dân cư xung quanh trong trường hợp vì một nguyên nhân nào đó các loại bom mìn vật nổ bị kích nổ.
Quy chuẩn cũng quy định, khi tiêu hủy phải tổ chức thực hiện đúng quy trình công nghệ và phương án tiêu hủy được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc xuất, nhập bom mìn vật nổ đi hủy phải có phiếu xuất, nhập và sổ ghi chép. Trước khi tiến hành tiêu hủy bom mìn vật nổ phải phổ biến kế hoạch, huấn luyện bổ sung; thông báo cho chính quyền địa phương và cơ quan quân sự cấp huyện. Sau khi thực hiện xong việc tiêu hủy phải tổng hợp kết quả báo cáo các cơ quan chức năng có liên quan.