Từng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, năm 1986, CCB Lương Văn Nhỏ xuất ngũ trở về địa phương phát triển kinh tế. Thời gian đầu ông Nhỏ chủ yếu trồng các loại nông sản như: khoai mỳ, mía... nhưng luôn chịu cảnh nắng mưa vất vả, “được mùa, mất giá”, hiệu quả kinh tế không cao.
Trăn trở tìm hướng đi mới để đưa gia đình vươn lên, ông tìm đến người em ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật trồng mai để đưa về trồng trên quê hương mình. Từ chỗ chỉ bắt đầu trồng thử, đến nay vườn mai của gia đình ông Nhỏ đã mở rộng, phát triển hơn 7ha.
Hơn 10 năm “bén duyên” với nghề trồng mai, bắt đầu từ con số không, CCB Lương Văn Nhỏ tích lũy và rút ra nhiều kinh nghiệm. “Cây mai dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu, nước, chất đất ở đây, tuy nhiên để loại cây kiểng này nở hoa đúng vào dịp tết, người trồng phải canh được thời gian, có biện pháp chăm sóc đặc biệt” ông Nhỏ bật mí.
Theo kinh nghiệm của ông Nhỏ, để canh thời gian cho hoa mai nở đúng dịp tết, hằng năm vào tầm trung tuần tháng 12 âm lịch, người trồng vặt lá, tùy thời tiết, độ ẩm để tưới nước. Mai cũng là loài kỵ đất bị úng thủy vì rễ trụ của mai dài nên gặp nước lâu rễ mai sẽ bị úng khiến cây héo úa và chết dần, vào tháng 8, tháng 9 âm lịch, mùa nước lên thì phải bơm nước chống ngập cho vườn mai.
Với tổng doanh thu từ vườn mai, bình quân hơn 2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí nhân công, phân bón...gia đình ông lãi ròng hơn 1 tỷ đồng, cuộc sống ngày càng khấm khá, các con đều học hết đại học và có việc làm ổn định, riêng người con trai út tiếp tục nối nghiệp cha, giờ anh có cho mình vườn mai riêng.
Ngoài trồng mai bán cảnh, ông Nhỏ còn hái hạt ươm cây non giống để trồng gối, sau 3 năm sẽ xuất bán cung cấp cho bà con địa phương và các hội viên hội CCB xã có nhu cầu. Ông Nhỏ còn hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, bón phân... kỹ thuật cắt tỉa cho các hộ mới bắt đầu trồng mai, tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/ tháng/ người.
Ông Lương Văn Nhỏ cho biết thêm: Chuẩn bị tết Canh Tý 2020, vườn mai của ông đã sẵn sàng cung ứng ra thị trường, ước tính mỗi gốc mai có giá bán tại vườn dao động khoảng 300.000 đồng, khách hàng đều là những người quen lâu năm trong khu vực và bà con ở địa phương nên không lo về đầu ra.