(QK7 Online) – Tối ngày 17/11, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, Câu lạc bộ (CLB) Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam Bộ phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình giao lưu và biểu diễn thị phạm chặp cải lương với chủ đề “Thắp sáng tinh thần Nhà giáo Việt Nam”.
Sự kiện không chỉ là một buổi lễ vinh danh mà còn là dịp để khơi dậy lòng tự hào về nền giáo dục Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của các nhà giáo trong việc hình thành nhân cách và trí tuệ con người. Ngoài ra, chương trình là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp cộng đồng nhận thức rõ hơn về những đóng góp của các nhà giáo như Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh… từ đó khuyến khích mọi người trân trọng và phát huy giá trị của giáo dục, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển xã hội.
ThS. Hồ Nhựt Quang chia sẻ về tư liệu giáo dục Nam Bộ xưa.
Mở đầu chương trình, ThS. Hồ Nhựt Quang chia sẻ về tinh thần tôn sư trọng đạo trong văn hóa Việt Nam xưa và nay. Qua những hình ảnh sống động của thầy cô giáo dạy học trò bằng trực quan sinh động như cây mít, cây lúa, hoa hướng dương…hiện lên như một biểu tượng sâu sắc cho những giá trị đạo đức.
Cây mít là loài thực vật có hai loại lá là lá bình thường và lá đài, lá đài còn xanh là trái còn non, lá đài rụng là trái đã chín, đó là tượng trưng cho cốt cách minh bạch, rõ ràng. Vỏ sần sùi nhưng bên trong lại vàng óng ánh, thể hiện sự khiêm tốn, và gỗ mít rất bền, không bị tác động bởi thời tiết, được dùng để làm tượng Phật, làm những phù điêu cho những chốn tôn nghiêm. Bên cạnh đó, hình ảnh cây lúa với triết lý "lúa nặng hạt là lúa biết cúi đầu" mang đến bài học về sự khiêm nhường và sự cống hiến. Hoa hướng dương, luôn hướng về ánh sáng, tượng trưng cho tinh thần khát vọng tri thức và văn minh, thúc đẩy tinh thần hiếu học.
Chập cải lương "Danh sư Võ Trường Toản" của tác giả Th.S Hồ Nhựt Quang.
Chập cải lương "Danh sư Võ Trường Toản" của tác giả Th.S Hồ Nhựt Quang đã tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của một nhà giáo nổi tiếng Nam Bộ, tấm lòng son sắc kính thầy của Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh,… trong thời kỳ đất nước loạn lạc (những năm đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở thế kỷ XX).
Th.S Hồ Nhựt Quang cho biết, tác phẩm lấy cảm hứng từ cuộc đời nghề giáo của ông Võ Trường Toản. Theo sử ghi lại, năm 1792 ông mất và được lập mộ tại Gia Định (TPHCM ngày nay) nhưng năm 1862 thực dân Pháp đã chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa). Ông Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản và những sĩ phu yêu nước khác ngày đó cảm thấy đau sót khi mộ ông (người thầy đã dạy nên người bao thế hệ thanh niên) nằm trong đất giặc quản lý. Vì thế các ông đã cải táng dời mộ Võ Trường Toản về huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre (ngày nay).
Câu chuyện lịch sử đã được sân khấu hóa thành vở chặp cải lương thể hiện rõ nét tinh thần “Tôn sư trọng đạo” và truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau. Th.S Hồ Nhựt Quang cho biết: “Khi đi học chúng ta đã đóng học phí nhưng như thế là chưa đủ mà chúng ta vẫn còn nợ ân tình, công giáo dưỡng đã góp phần cho chúng ta được mở mang tri thức”.
CLB Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam Bộ được cố GS.TS Trần Văn Khê thành lập ngày 12/9/2014 và đi vào hoạt động tại hội trường tư gia của ông. Sau khi GS.TS Trần Văn Khê qua đời, CLB vẫn tiếp tục duy trì và hoạt động mạnh mẽ hơn, phong phú và sâu sắc hơn nội dung chia sẻ, lan tỏa giá trị đến các buổi talkshow ở trường học, đường sách, đình làng, bảo tàng, doanh nghiệp, văn phòng tỉnh ủy, hội thảo quốc tế… tạo được ấn tượng rất đẹp và giá trị tích cực bổ ích.
Chương trình vinh danh văn hóa nhân ngày kỷ niệm Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam là dịp như một hành trình trở về, để cùng nhau “ôn cố tri tân”, tôn vinh những giá trị giáo dục mà cha ông đã dày công vun đắp.
Lê Tiến