(QK7 Online) - Phần lớn cán bộ, đảng viên luôn ý thức gương mẫu, trách nhiệm khi nói, khi viết chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nhưng hiện nay đang xuất hiện tình trạng một số người phát ngôn không chuẩn, phát ngôn tùy tiện, gây ảnh hưởng tới uy tín của Ðảng, Nhà nước.
Thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đạt được kết quả tích cực, nhiều vụ việc vi phạm được đưa ra ánh sáng, một số tổ chức, cá nhân đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên giữ cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước được báo chí thông tin rộng rãi.
Tuy vậy, vẫn có những thông tin gây tính “tò mò” của một số cán bộ, đảng viên phát ngôn tùy tiện, thiếu kiểm chứng lan truyền trong và ngoài cơ quan, đơn vị công tác. Một số cán bộ, đảng viên khi ở cơ quan, đơn vị thì phát ngôn và làm theo đúng quan điểm, đường lối của Ðảng, nhưng khi ra ngoài thì lại có phát ngôn thiếu chuẩn mực, lệch lạc, đi ngược với lợi ích của quốc gia, dân tộc, của tổ chức nơi mình đang công tác. Thậm chí một số cá nhân phát ngôn tùy tiện, không mang tính xây dựng hoặc sử dụng những thông tin không chính thống, sai sự thật để quy kết, bàn luận thiếu trách nhiệm, thiếu tính xây dựng gây bức xúc trong nội bộ.
Theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương, giai đoạn 2016-2020, gần 8.300 đảng viên có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị đã bị xử lý kỷ luật. Trong đó, có 477 đảng viên nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm, hứa nhiều, làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về hưu…; có 1.722 đảng viên bị kỷ luật về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đa số là số đảng viên “nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng, thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
Một số người cho rằng họ có quyền tự do ngôn luận, chúng ta không phản đối. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Tuy nhiên, cần nhận thức rõ quyền tự do ngôn luận không phải là phát ngôn tùy tiện, mà phải tuân thủ trong khuôn khổ pháp luật. Tự do ngôn luận, phát ngôn có trách nhiệm là góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Việc hiểu đúng tự do ngôn luận không chỉ là tôn trọng quyền lợi cá nhân mà còn là sự nhận thức về trách nhiệm đạo đức và pháp luật trong việc sử dụng quyền này. Tự do ngôn luận không phải là tự do tùy tiện phát ngôn mà là một trách nhiệm được thực hiện theo các chuẩn mực pháp lý và đạo lý, qua đó góp phần bảo đảm an ninh tư tưởng - văn hóa và giữ vững ổn định trật tự xã hội.
Hiện nay, các thế lực phản động, thù địch tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước ta về mọi mặt. Bằng những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, những đối tượng này không ngừng gieo rắc thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc, bóp méo tình hình chính trị tại Việt Nam, gây nhiễu loạn thông tin, hòng gây tâm lý hoài nghi, chia rẽ, mâu thuẫn trong nội bộ, làm lung lay niềm tin trong Nhân dân. Những câu nói, phát ngôn tùy tiện vô tình rơi vào âm mưu của chúng, tiếp tay cho thế lực thù địch chống phá đất nước.
Với những tác hại của nó chúng ta cần cảnh giác với những câu nói, phát ngôn tùy tiện. Đối với cán bộ, đảng viên những câu nói, những phát ngôn tùy tiện không được kiểm chứng là một trong những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vô tình vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Trần Rô