Với cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình đã và đang dần bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, học tập và các mối quan hệ xã hội… nên đôi khi chưa thật sự quan tâm và chăm chút cho bữa cơm gia đình.
Bữa ăn ấm cúng giúp tình cảm gia đình bền chặt
Từ lâu, bữa cơm gia đình đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống trong gia đình Việt. Bữa cơm không chỉ là nơi truyền nhận những kinh nghiệm giáo dục đạo đức, lối sống mà còn là dịp để các thành viên thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, gắn kết tình cảm và cùng giữ “lửa” hạnh phúc cho tổ ấm yêu thương.
Lạnh lẽo bữa cơm gia đình
Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình đã và đang dần bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, học tập và các mối quan hệ xã hội… nên đôi khi chưa thật sự quan tâm và chăm chút cho bữa cơm gia đình, điều này vô tình dẫn đến nhiều hệ lụy, vợ chồng ít dành thời gian cho nhau, lâu dần sẽ phai nhạt tình cảm và gây ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là con cái khiến hạnh phúc gia đình ngày càng trở nên mong manh, hôn nhân rạn nứt. Chị Quang Phương, tại phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội kể, ngày trước khi vợ chồng mới lấy nhau, gia đình gặp nhiều khó khăn, rồi khi sinh đứa con đầu lòng, áp lực chăm con, công việc đè nặng thế nhưng mỗi khi quá mỏi mệt, chị lại có thể tâm sự, trao đổi với chồng, cùng bàn về nuôi con, tương lai trong bữa cơm tối hàng ngày.
“Cũng không giải quyết được ngay các khó khăn nhưng qua những lần trao đổi đó, vợ chồng cùng chia sẻ, cùng bàn bạc với nhau những vấn đề nho nhỏ, cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái hơn hẳn”, chị Phương nhớ lại. Rồi điều kiện kinh tế khá hơn, công việc cũng càng ngày càng bận rộn hơn, con lại thêm đứa nữa nhưng thời gian ngồi bên nhau trong bữa cơm lại chẳng còn mấy. Cả hai đứa nhỏ, khi ăn với ba, khi thì với mẹ, chúng dần dần tập thành thói quen không cùng lúc trao đổi cả ba và mẹ. Rồi mâu thuẫn vợ chồng, từ chuyện nhỏ trong nhà đến chuyện họ hàng, học hành của con, chẳng biết từ khi nào mâu thuẫn nhỏ thành mâu thuẫn lớn đến mức gần như không thể giải quyết nổi, thậm chí cả hai đã chuẩn bị đến việc ly hôn. Và cũng để chuẩn bị cho chuyện đó, họ quyết định ngồi lại, ban đầu là để chuẩn bị cho mấy đứa con chuyện bố mẹ xa nhau, thế nhưng quanh bữa cơm, hai vợ chồng lại nhắc đến kỷ niệm xưa, rồi nhắc đến hiện tại, chị Phương kể lại tại cuộc tọa đàm về hạnh phúc từ các bữa cơm gia đình rằng, có rất nhiều vấn đề vốn rất nghiêm trọng, cãi nhau không biết bao lần… thế mà ngồi bên nhau, có chuyện tưởng kinh khủng lắm nhưng chồng chị lại nhún vai bảo “tùy em”, có chuyện anh rào trước đón sau, chị lại phì cười bảo “dễ mà, anh cứ để em”…
Hai đứa con, vốn dĩ cả hai vợ chồng đều mỏi mệt vì lỳ lợm, khó bảo thì nay bỗng trở nên dễ bảo hơn hẳn, chị có hỏi thì chúng bảo trước cái gì khó thì bố bảo hỏi mẹ, cái gì mệt thì mẹ bảo hỏi bố, riết rồi anh em chúng cũng chán, bố la thì đổ cho mẹ, mẹ mắng lại chạy với bố.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Quý, Chuyên gia Tâm lý học, Cố vấn đường dây tư vấn Hỗ trợ chăm sóc bà mẹ trẻ em, khi công việc xã hội áp lực khiến người lớn cáu gắt, mệt mỏi, về nhà giữa vợ và chồng không chia sẻ, thông cảm được với nhau thì dễ xảy ra mâu thuẫn. Công việc mệt mỏi khiến người lớn không còn thời gian chăm sóc con cái hay những người mình yêu thương. Bên cạnh đó tâm lý ỉ lại vào nhà trường chăm sóc, giáo dục con cái mà một số người quên rằng con cái là tài sản vô giá, chúng cần yêu thương, tình cảm hơn là vật chất. Hay một số khác lại quá nuông chiều con trẻ, họ tưởng như vậy là yêu thương nhưng như vậy lại hại chính con em mình. Trẻ được nuông chiều sẽ sinh tính ích kỷ, chúng sẽ không biết quan tâm, chia sẻ yêu thương tới người khác.
Cơ hội để hiểu nhau hơn
Những trường hợp mâu thuẫn nảy sinh từ việc thiếu vắng cơ hội trao đổi trực tiếp không còn là chuyện hiếm. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, đời sống của các gia đình được cải thiện cả về vật chất, văn hóa và tinh thần. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên dân chủ, bình đẳng, quyền và lợi ích của mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong gia đình ngày càng được tôn trọng và bảo vệ. Chính vì vậy, thay cho các ép buộc kiểu gia trưởng hay những quan điểm mang tính bảo thủ, mối quan hệ gia đình đặc biệt là giữa các thế hệ cần có sự kết nối, hiểu biết lẫn nhau. Thế nhưng, vì nhiều lý do như áp lực công việc, giao tiếp xã hội… nhiều gia đình nhất là các gia đình trẻ, nơi bố mẹ đang mải mê lao vào các mục tiêu kinh tế, xã hội đã lãng quên đi những giá trị quan trọng nhất ngay cạnh mình.
Tại cuộc tọa đàm về việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, yếu tố bữa cơm gia đình được nhắc đến nhiều lần. Đây không phải là cơ hội duy nhất để những người thân trong gia đình hiểu nhau, họ có thể tâm sự, có thể trao đổi trực tiếp, qua các công cụ mạng, có thể thông qua các hoạt động tập thể, các chuyến đi chơi, các sinh hoạt trong gia đình lớn như họ hàng, bà con… thế nhưng, bữa cơm gia đình vẫn là điều quan trọng nhất bởi nó dễ thực hiện nhất. Bữa cơm cũng là nơi các trao đổi dễ thực hiện nhất, từ những chuyện nhỏ như chuyện tiền điện tiền nước, chuyện hàng xóm láng giềng, chuyện bạn bè ở trường cho đến chuyện lớn như xử lý các sự cố gia đình, các vấn đề dòng họ…
Chị Huyền Nga, hiện là giáo viên tại Đà Lạt, kể việc con gái lớn của chị đang học cấp 2, cháu bắt đầu biết yêu. Có lần cháu buồn chuyện tình cảm nên tâm sự với mẹ, chị lo nhưng lại chẳng biết nói sao bởi ngăn cấm thì sợ hậu quả như hay đọc trên mạng nhưng khuyên thì không biết khuyên thế nào. Chị đành bảo con gái lựa lúc vừa ăn vừa dò hỏi thử bố xem sao. Những tưởng anh sẽ tức giận hay bực bội, nhưng không, chồng chị phá ra cười, bảo đó là trò quen thuộc của bọn thanh niên đang lăm le “bắt cá hai tay” thôi, chồng chị vừa cười vừa tư vấn cho con gái cách kiểm tra tình cảm “bạn trai”. Xong xuôi anh còn hào hứng kết luận “Cái này ba rành lắm”, làm chị vừa buồn cười, vừa tức bởi hồi yêu nhau anh cứ xoen xoét là “chẳng biết gì”. Vài ngày sau, con gái của chị tươi hớn hở khoe là đã phát hiện ra “bộ mặt thật” của cậu bạn trai và xem bố như một tài năng trong việc tư vấn tình cảm, còn ông bố được thể khoe với vợ rằng mình là người am hiểu chuyện tình yêu nhất!
Theo các chuyên gia tâm lý, bữa cơm gia đình tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng lại chính là nơi gắn kết các thành viên, là nơi giữ “lửa” hạnh phúc. Thế nhưng, dù rất đơn giản, cũng không chiếm nhiều thời gian nhưng ngày nay, bữa cơm gia đình lại càng lúc càng bị xem nhẹ. Gia đình khó khăn thì viện cớ bận kiếm sống nhưng gia đình có điều kiện thì lại phân tán bởi các cuộc vui, các tiệc nhậu… Vấn đề là ở chính mỗi cá nhân, biết quan tâm, quý trọng những tình cảm gia đình thì dù thế nào cũng có thể sắp xếp mỗi ngày vài tiếng đồng hồ cho gia đình.
Ông bà ta từ xưa đã có câu: Để biết gia đình đó có hạnh phúc không thì hãy nhìn vào căn bếp. Nhìn không phải để biết món ăn có sang quý, cầu kỳ hay không mà để thấy bếp có ấm lửa hay không, bởi bếp ấm lửa thể hiện một gia đình đoàn kết, gắn bó với nhau.
Hoàng Hương
Nguồn: sggp.org.vn