Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam và việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm báo.
Cuối năm 1924, Bác Hồ về Quảng Châu, Trung Quốc, mở lớp huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam, thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tổ chức tiền thân của Đảng ta. Người sáng lập Báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của hội. Báo Thanh niên số 1 ra ngày 21/6/1925, đến tháng 4/1927 đã ra 88 số bằng tiếng Việt. Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo biên tập và viết nhiều bài chính luận. Tháng 12/1926, Bác Hồ lập ra Báo Công nông cho giai cấp công nhân, và nông dân nước ta. Tháng 2/1927, Bác sáng lập Báo Lính kách mệnh, (tiền thân của Báo Quân đội Nhân dân) dành cho đội ngũ những chiến sĩ cách mạng.
Những tờ báo xuất bản công khai hoặc bí mật từ năm 1922 tại Pháp, năm 1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc, năm 1928 tại Thái Lan, năm 1929 tại Hồng Kông do Bác Hồ sáng lập ở nước ngoài đều tập trung vào vấn đề cơ bản là truyền bá tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập một Đảng Cộng sản kiểu mới đủ khả năng, bản lĩnh chính trị, lãnh dạo Nhân dân Việt Nam vùng lên lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp và phong kiến tay sai, giành độc lập, tự do, hạnh phúc, hòa bình cho dân tộc Việt Nam, đưa nước Việt Nam tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa. Ngay năm 1930, Đảng ta ra đời, Bác Hồ sáng lập Tạp chí Đỏ, xuất bản từ ngày 5/8/1930, đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác viên đắc lực của các báo Đảng khác như: Búa liềm, Tranh đấu, Tiếng nói của chúng ta... Đầu năm 1941, Bác Hồ về nước, chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8, thành lập Mặt trận Việt Minh, cho lập Báo Việt Nam độc lập năm 1941 và Báo Cứu quốc năm 1942. Các tờ báo này thực sự là những hồi kèn xung trận, thức tỉnh đồng bào cả nước vùng lên đấu tranh, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ tiếp tục cộng tác, tổ chức và cho ra đời một số tờ báo mới. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1951, Báo Sự thật (tiền thân của Báo Nhân dân) ngừng xuất bản, Bác chỉ đạo thành lập Báo Nhân dân, một cơ quan ngôn luận gần gũi hơn, thiết thực hơn, sâu rộng hơn, và số đầu tiên ra ngày 11/3/1951. Ngoài việc sáng lập, chỉ đạo thực hiện, Bác còn là cộng tác viên rất nhiệt tình. Từ số 1 ngày 11/3/1951 đến số 5525 ngày 1/6/1969, Báo Nhân dân đăng 1.205 bài viết của Bác Hồ với 23 bút danh. Trong những bài báo ấy, có nhiều bài báo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà ngày nay vẫn là những bài học sống còn của Đảng ta.
Từ khi xuất dương đi tìm đường cứu nước cho đến phút cuối đời, cùng với những hoạt động cách mạng và lãnh đạo Đảng, lãnh đạo đất nước, Bác Hồ luôn là một nhà báo - một nhà báo lớn nhưng chưa từng có thẻ. Bởi báo chí đối với Bác Hồ không phải là một nghề, mà cầm bút viết báo, đối với Người là cầm trong tay một vũ khí sắc bén để chiến đấu của người chiến sĩ cộng sản. Với một động cơ vĩnh cửu là vì độc lập, tự do, hòa bình cho dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân, hạnh phúc của con người. Đó là ý nghĩa nhân văn cao cả nhất trong suốt cuộc đời của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh kính yêu!