0Số lượng sáng chế ngày một lớn bao trùm trên cả lĩnh vực là quân sự, dân sự khẳng định vị thế tiên phong công nghệ của Viettel.
Sáng chế “Hệ quang học gương cầu cho thiết bị ảnh nhiệt sóng trung” ra đời vào năm 2017, giải quyết bài toán tự nghiên cứu, thiết kế chế tạo được camera core, giảm thiểu tối đa việc phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, sáng chế “Phương pháp chế tạo vật liệu tổng hợp chịu nhiệt độ cao” giúp sản xuất vật liệu đáp ứng được các điều kiện làm việc khắc nghiệt trong lĩnh vực quân sự.
Số lượng các sáng chế của Viettel ngày càng tăng, bao trùm trên cả lĩnh vực quân sự, dân sự, khẳng định vị thế tiên phong công nghệ, hướng tới mục tiêu trở thành nòng cốt xây dựng Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Viettel. Đến nay, Viettel được cấp 56 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam và được USPTO cấp 11 bằng bảo hộ sáng chế tại Mỹ.
Các sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ minh chứng cho năng lực tự chủ của Viettel trong nghiên cứu, phát triển các công nghệ lõi trong sản xuất, chế tạo công nghệ cao. Mỹ là quốc gia hàng đầu trên thế giới về công nghệ, bằng sáng chế do Mỹ cấp được coi là cơ sở tham chiếu có giá trị trong trường hợp cần đăng ký sáng chế tại một quốc gia khác.
Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ năm 2021, Viettel là doanh nghiệp công nghệ có số lượng đơn đăng ký sáng chế và số bằng sáng chế được cấp hàng năm nhiều nhất tại Việt Nam.
Mới đây, 2 công trình thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng của Viettel cũng được Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - Giải thưởng Nhà nước cao quý nhất về khoa học và công nghệ.
Những thành tựu của Viettel xuất phát từ việc luôn duy trì, thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa đổi mới sáng tạo. Viettel đã thu hút các kiến trúc sư trưởng, kỹ sư đầu ngành có khả năng khai thác làm chủ công nghệ, có khả năng nghiên cứu, sản xuất và làm chủ thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin và thiết bị công nghệ cao. Đội ngũ chuyên gia, kỹ sư của Viettel được tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc nghiên cứu, sáng chế. Viettel đồng thời cũng có chính sách khen thưởng đặc biệt cho tác giả có bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích...
Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX) là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), được thành lập năm 2017. Nhiệm vụ của VTX là nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại trang bị kỹ thuật công nghệ cao theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự và phục vụ dân sinh; liên kết hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước về nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
VTX triển khai thành công nhiều dự án quan trọng, trong đó có những lĩnh vực rất mới, khó và phức tạp đối với Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhiều dự án đã được nghiệm thu với những kết quả đột phá trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít các nước trên thế giới có khả năng làm chủ các trang bị kỹ thuật và sản phẩm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở lĩnh vực này. Với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các trang bị kỹ thuật, sản phẩm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, tháng 2/2022 VTX vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
Danh sách 11 sáng chế của Viettel được cấp bằng bảo hộ tại Mỹ:
1. Phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đa vi xử lý (2019)
2. Phương pháp phát hiện mục tiêu di chuyển chậm ứng dụng trong đài ra-đa cảnh giới bờ (2020)
3. Hệ cơ cấu trợ lực cho robot song song bằng hệ lò xo với trợ lực hằng số (2020)
4. Ăng ten hai phân cực dải rộng (2021)
5. Bộ ghép lai có cổng tổng và cổng hiệu đồng hướng (2021)
6. Ống kính hồng ngoại sóng trung zoom liên tục tỉ số zoom lớn (2021)
7. Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn trong hệ thống trạm thu phát gốc vô tuyến (2021)
8. Phương pháp cân bằng tải có trọng số trên các điểm truy cập dữ liệu (2021)
9. Cơ cấu cơ khí dẫn động trực tiếp hai trục cho thiết bị quay (2021)
10. Hệ quang học gương cầu (Catadioptric) cho thiết bị ảnh nhiệt sóng trung (2022)
11. Phương pháp chế tạo vật liệu tổng hợp (composite) chịu nhiệt độ cao (2022)