(QK7 Online) - Định hướng MB phát triển bền vững, CEO Phạm Như Ánh thường xuyên đề xuất xây dựng cơ chế tín dụng xanh, đưa văn hóa sống xanh vào doanh nghiệp.
Giai đoạn 2019-2020 khi dẫn dắt khối khách hàng doanh nghiệp lớn (CIB), ông Phạm Như Ánh nhìn nhận tín dụng xanh là hướng đi tất yếu. Theo ông, năng lượng tái tạo là xu hướng phát triển của Việt Nam và MB ưu tiên cấp tín dụng cho lĩnh vực này, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời.
Cách đây ba năm, ông Phạm Như Ánh đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất với các cơ quan quản lý cần có tầm nhìn xây dựng cơ chế cho tín dụng xanh, ưu tiên giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng cho vay vào các dự án năng lượng xanh hàng năm. CEO MB cho rằng, cần có các chương trình hỗ trợ hoặc kết nối với các định chế tài chính nước ngoài để tái cấp vốn, phát hành trái phiếu xanh ưu đãi cho các ngân hàng, doanh nghiệp tham gia vào tín dụng xanh.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội. Ảnh: MB
Đại diện MB cũng có nhiều đề xuất với các cơ quan, ban ngành để có những hành lang pháp lý cũng như giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo, từ đó giúp lĩnh vực này có nhiều đóng góp hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Theo đó, cần có các chính sách thông thoáng hơn, hỗ trợ việc huy động vốn của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này.
"Cần xem xét không giới hạn số đợt phát hành trái phiếu vì các dự án điện gió phải thi công mất 2-3 năm nên việc giới hạn các đợt phát hành làm cho các chủ đầu tư không huy động được nguồn vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp", ông chia sẻ.
Nhà băng này hiện cung cấp tài chính cho hơn 30 dự án điện mặt trời và điện gió với tổng quy mô vào khoảng 70.000 tỷ đồng, giúp các chủ đầu tư tạo ra khoảng 3.600 MW điện năng lượng tái tạo, góp phần gia tăng nguồn năng lượng sạch. Các dự án năng lượng tái tạo với những nhà đầu tư có thương hiệu tại các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ... đều có sự góp sức từ dòng tín dụng do MB cung cấp và thu xếp.
Thời gian tới, ngân hàng tiếp tục ưu tiên cho các lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là sau khi quy hoạch điện 8 chính thức được phê duyệt, tạo nhiều điều kiện cho lĩnh vực này phát triển. Theo CEO MB, việc ưu tiên tín dụng của một ngân hàng xanh không chỉ dành cho lĩnh vực điện gió, điện mặt trời mà còn là nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp có hoạt động thân thiện với môi trường. Đơn cử, khách hàng vay có công nghệ sản xuất ít phát thải ra môi trường, có công nghệ tái chế... được ngân hàng hỗ trợ về phí, lãi suất. MB cũng có quỹ để phục vụ cho những gói ưu đãi này.
Cũng theo ông Phạm Như Ánh, tín dụng xanh là một trong ba yếu tố quan trọng của mục tiêu Ngân hàng xanh mà MB hướng tới. Cụ thể, ngân hàng hình thành lối sống thân thiện với môi trường và lan tỏa văn hóa sống xanh đến từng cán bộ, nhân viên thông qua việc sử dụng các vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng trong văn phòng. Hiện nay, hầu hết hoạt động nội bộ của MB đã không còn sử dụng giấy tờ mà được thực hiện số hóa.
Bên cạnh đó, nhà băng này cũng giúp khách hàng, đối tác trong hệ sinh thái giải quyết các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững. Thông qua việc tương tác trên nền tảng công nghệ, cả MB và khách hàng đều tiết kiệm được giấy tờ, việc di chuyển từ đó giảm phát thải ra môi trường. Ngân hàng cũng hỗ trợ cho khách hàng trong chuyển đổi xanh, có thể dưới hình thức tài trợ bằng tài chính hoặc mời chuyên gia tư vấn, đồng hành.
"Thông qua các hành động thực tiễn của ngân hàng, mô hình Ngân hàng Xanh của MB sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của xã hội, đặc biệt là khi hệ sinh thái của MB sở hữu tới gần 24 triệu khách hàng tương đương với hơn 24% dân số cả nước", ông Phạm Như Ánh chia sẻ.
Hà Vi