Cô Đừng đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để đồng hành cùng với những người lính gần cả cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, ngụy. Vì vậy trong cô luôn vẹn nguyên khí phách của một con người cách mạng.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng nên năm 17 tuổi, cô Nguyễn Thị Đừng sớm tham gia phong trào cứu nước ở địa phương. Hưởng ứng phong trào quân dân miền Nam đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, từ năm 1961-1964, cô Đừng cùng nhân dân trong vùng biểu tình chống dồn dân lập ấp, nhổ gai hàng rào, phá ấp chiến lược của Mỹ - ngụy. Khi nghe tin các đoàn xe của địch đi đàn áp quần chúng nổi dậy, cô cùng bộ đội địa phương đi đắp mô lộ, gài lựu đạn trên các trục đường liên huyện, liên tỉnh để ngăn chặn các cuộc hành quân.
Đầu năm 1965, chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ thất bại. Tuy vậy, chúng chưa từ bỏ chiến tranh xâm lược Việt Nam mà chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ. Quân địch tăng cường lực lượng phương tiện vào chiến trường miền Nam. Để đối phó với chúng, bộ đội chủ lực của Miền được điều động về vùng ven Sài Gòn để chống lại các cuộc càn quét của địch.
Là cơ sở cách mạng từ trước, nhà cô Đừng được chỉ huy Miền tin tưởng đưa lực lượng về đây ém quân, chuẩn bị phương án đánh địch. Để giữ bí mật, ban ngày, một bộ phận chiến sĩ quân giải phóng được cô đưa đi ẩn nấp trong các viền lá dừa nước ngoài vườn, theo dọc bờ kênh, rạch gần nhà. Bộ phận còn lại trú ẩn ở những căn hầm đào sẵn trong nhà để phục vụ kháng chiến. Khi trời chập choạng tối, không còn quân địch đi tuần, bộ đội mới vào nhà sinh hoạt và bàn kế hoạch chiến đấu. Để bảo đảm cho bộ đội ăn no đủ sức đánh giặc, hàng ngày, cô phải thức dậy từ lúc gà gáy để nấu cơm và chia thành từng nắm cho bộ đội ăn bữa sáng, bữa trưa. Đến gần tối, cô lại tất bật nấu nướng để phục vụ bộ đội kịp đi công tác. Việc bếp núc được cô Út làm rất cẩn trọng, cô chia thành nhiều lần nấu, các dụng cụ nấu xong được cô chùi rửa sạch sẽ và giấu trong hầm để đề phòng địch bất ngờ đi tuần phát hiện.
Nhớ lại những lần thực hiện nhiệm vụ, cô Út kể: “Nhiều ngày tôi phải vượt quãng đường gần bốn mươi cây số đến tận Sò Đo, Tân Mỹ (Đức Hòa, Long An), Củ Chi (Sài Gòn) để bắt liên lạc với các đơn vị, gia đình chiến sĩ. Để giữ bí mật, mỗi chuyến đi, tôi mặc bộ đồ bà ba, thư được giấu trong áo cùng với cái giỏ xách đệm, đóng giả là người đi chợ nhằm qua mặt các trạm tuần tra, kiểm soát của địch”. Nhờ sự dũng cảm, mưu trí của cô Út mà mỗi lá thư được chuyển thành công về căn cứ hay đến hậu phương chiến sĩ an toàn góp phần động viên bộ đội yên tâm đánh giặc.
Thời điểm xuân Mậu Thân 1968, cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra ngày càng khốc liệt trên toàn mặt trận. Mỹ - ngụy tăng cường các cuộc hành quân càn quét vùng ven Sài Gòn để lập vành đai trắng và địa bàn Long An là một trọng điểm bình định của chúng. Nhiều đơn vị của ta bị phát hiện, chúng sử dụng máy bay ném bom, trực thăng bắn rốc két, pháo binh đánh phá vào trận địa, sau đó đưa bộ binh vào càn quét làm nhiều đồng chí bị thương và hy sinh. Bất chấp nguy hiểm, cô Út Đừng lại lặn lội đi nắm tình hình, đợi quân địch rút thì khẩn trương vào trận địa băng bó cho những người bị thương, đưa những chiến sĩ hy sinh về cho lực lượng phía sau chôn cất.
Trong đội hình chiến đấu của ta, nhiều đồng chí quê ở các tỉnh phía Bắc được tăng cường cho quân chủ lực miền Nam, các anh bộ đội miền Bắc thật thà, chất phác được cô Út giúp đỡ trong chiến đấu. Trong đó in sâu vào tâm trí cô là anh Nghĩa (quê ở Bắc Giang) và anh Sáu Truyện, cô nhớ lại: “Hai anh ở cùng Đại đội Đặc công 25, Trung đoàn 320, Bộ Tư lệnh Miền, đều là những người vui vẻ, hài hước. Đầu năm 1970, trong lần phá cuộc mít tinh biểu dương lực lượng của Phó Tổng thống Trần Văn Hương thành công, hai anh cùng những người khác bị địch truy lùng ráo riết. Tôi đã dẫn các anh trốn trong căn hầm bí mật tại thôn Cây Tài, 2 ngày sau, địch phát hiện ra nơi trú ẩn, Sáu Truyện bị địch bắn chết còn anh Nghĩa thì bị chúng tra tấn dã man và đem đi. Từ đó, tôi không còn tin tức của anh Nghĩa nữa, cứ nghĩ anh đã hy sinh. Đến năm 2015, nhờ Chương trình Điều ước thứ 7 số 49 của Đài truyền hình Việt Nam (VTV3) mà tôi đã gặp lại anh Nghĩa. Đây là niềm mong ước bấy lâu của tôi, điều kỳ diệu sau chiến tranh đã xảy ra và hai anh em chỉ biết ôm nhau khóc trong niềm vui khôn tả”.