Trong những năm tháng chống Mỹ đầy rẫy những khó khăn, hiểm nguy nhưng Tư Tân, người con Long An trung dũng, kiên cường vẫn quyết tâm bám trụ quê nhà. Để giữ bí mật, ông không được công khai gặp gia đình, người con gái đầu đi theo vùng giải phóng mà ông vẫn chưa hề biết mặt con. Năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện đạo luật 10-59, lê máy chém khắp miền Nam thực hiện chiến dịch tố cộng, diệt cộng. Ở vùng đất Hậu Nghĩa, Tư Tân bị ghi vào sổ đen và mang danh sách truy nã đặc biệt của kẻ thù. Thế nhưng, bất chấp lệnh truy nã, anh vẫn mưu trí sống trong lòng địch, ngay giữa quê nhà.
Giai đoạn 1968 -1972, tình hình chiến trường ác liệt, mỗi lần đi càn, quân địch đem theo những con chó được huấn luyện bài bản đánh hơi tìm kiếm, phát hiện hầm bí mật của chiến sĩ cộng sản. Trong một lần đi tuần, địch điên cuồng phóng hỏa đúng vào căn hầm của Tư Tân ẩn nấp. Để không bị sập nắp hầm, ông phải dùng lưng chống đỡ mặc cho sức nóng của lửa làm bỏng rát hết cả tấm lưng. Bị thương nhưng ông vừa điều trị vừa tiếp tục công việc lãnh đạo lực lượng địa phương hoạt động kháng chiến.
Ở nhà, ba mẹ và vợ ông mang tiếng có con, chồng là cộng sản nằm vùng nên luôn bị chính quyền tay sai chèn ép, tra khảo. Để che mắt địch, gia đình ông phải thay tên, đổi họ, di chuyển chỗ ở.
Tháng 10 năm 1972, Trung đoàn 271 được lệnh hành quân về chiến trường Long An chiến đấu. Lúc bấy giờ, đồng chí Lê Cường là Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 271 có nhiệm vụ tiến quân vào thị xã Hậu Nghĩa làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nổi dậy đấu tranh diệt ác, phá kìm. Theo chỉ đạo của trên, việc tranh thủ lòng dân phải được đơn vị tận dụng triệt để. Đây là nhiệm vụ khó khăn vì Hậu Nghĩa là một hậu cứ của địch, cửa ngõ của Sài Gòn nên chúng bố trí lực lượng hùng hậu bảo vệ.
Để vào được thị xã, nội tuyến của ta là đồng chí Tư Tân và đồng chí Thanh xuống đơn vị phổ biến tình hình dân cư, tình hình địch và dẫn đường đơn vị tiến vào. “Khi phổ biến tình hình địa bàn, anh Tư Tân để lại trong tôi những ấn tượng về một con người hoạt bát, khả năng bám nắm, am hiểu địa bàn. Những ngày sau đó, tôi được vinh dự trực tiếp cùng anh Tư Tân đi hoạt động. Bởi vì theo anh Thanh, được cùng đi với Tư Tân, Bí thư Chi bộ thị xã Hậu Nghĩa phải thật sự là người được anh ấy tin tưởng ” Đại tá Lê Cường nhớ lại.
Ngày nằm hầm, đêm lên phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, xé cờ địch, cắm cờ giải phóng. Có những ngày trời tối đen như mực, không thấy đường đi vậy mà đi đến đâu, Tư Tân đều nắm rõ, giới thiệu từng nhà có bao nhiêu người, nhà nào theo cách mạng, nhà nào có người theo địch. Khi đến một ngôi nhà tranh, đồng chí Lê Cường đề nghị Tư Tân được vào gặp chủ nhà thì ông đồng ý và cho biết, đây là nhà một bà má rất nghèo nhưng luôn tin tưởng cách mạng.
“Bà má nghèo sau này tôi mới biết là má Căn. Bước vào gặp, tôi vừa giới thiệu là người cách mạng thì đôi tay gầy gò của má run run sờ lên người tôi. Má nói vui vì lần đầu được gặp đứa con miền Bắc vào giải phóng quê hương của má. Má vui vì hình ảnh người lính giải phóng quân từ miền Bắc vào không phải sự thật như quân địch tuyên truyền. Trò chuyện với má, chúng tôi còn được má kể về những tội ác của địch gây ra đối với người dân như tra tấn dã man những người dân vô tội bị nghi là cộng sản. Bên cạnh đó chúng còn đốt nhà, phá vườn đẩy nhân dân vào cảnh lầm than phải bỏ nhà, bỏ làng đi nơi khác sinh sống”, Đại tá Cường xúc động kể lại.
Đại tá Lê Cường vẫn còn nhớ mãi một gia đình nuôi dấu ông cùng Tư Tân. Gia đình ấy tiếp đãi chu đáo, bữa cơm luôn thịnh soạn. Nhưng vào đến lần thứ 4, người mẹ có 3 đứa con lại không bao giờ bắt chuyện với người khác và điều kỳ lạ là gia đình này mỗi ngày thay đổi chỗ ở một lần. Sau một buổi chiều, từ hầm bước lên ăn cơm, đồng chí Cường hỏi cậu bé chừng 16 tuổi về ba của nó thì được trả lời: Ba của cháu vừa đi với chú. Lúc này, đồng chí Cường mới biết chị Tư và bọn trẻ là vợ, con của anh Tân. Để tránh tai mắt của địch, vợ chồng anh Tân không được tiết lộ thân phận, sống trong nhà nhưng cũng chỉ được gặp nhau thời gian rất ngắn trong ngọn đèn le lói mà hai người không nhìn thấy rõ mặt nhau.
Để đề phòng bất trắc xảy ra, suốt thời gian kháng chiến, ông Tân luôn mang bên mình 2 quả lựu đạn và một khẩu súng ngắn. Để khi gặp địch mà không thể thoát thân thì ông sẽ dùng súng và một quả lựu đạn diệt địch, quả lựu đạn còn lại là để tự sát. Ông chấp nhận hy sinh tính mạng bản thân chứ nhất quyết không để lọt vào trong tay địch. Vì những bí mật ông nắm giữ liên quan đến rất nhiều các chiến sĩ cách mạng và sự tồn vong của một tổ chức Đảng trong lòng địch…
Đất nước hòa bình, ông tiếp tục kinh qua nhiều chức vụ khác nhau như: Trưởng Công an thị xã Hậu Nghĩa, Chủ tịch UB MTTQ thị xã Hậu Nghĩa… Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn một lòng vì nước vì dân, sống có lý, có tình, giúp đỡ nhân dân, xây dựng quê hương đất nước.